Sau khi tiến hành thanh tra theo luật định (thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2020 đến cuối 2021), ngày 15/12/2022, Chánh TTTP ký ban hành KLTT số 22/KL-TTTP-P3 (KLTT số 22) chỉ rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND H.Cần Giờ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo cũng như chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. KLTT còn nêu trách nhiệm của UBND H.Cần Giờ trong quản lý, sử dụng ngân sách và việc chấp hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... KLTT số 22 đã được UBND TPHCM chấp thuận, thống nhất chỉ đạo xử lý tại văn bản số 916/VP-NCPC ngày 10/02/2023 của Văn phòng UBND TP.
Từ chỉ đạo "3 khẩn trương"
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, KLTT số 22 xác định: Trung tâm Y tế (TTYT) H.Cần Giờ đã để 6.828 liều vắc-xin Pfizer hết hạn sử dụng, nhưng chưa kịp thời đề xuất xử lý đến Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và UBND H.Cần Giờ. Việc này thể hiện quản lý tài sản công chưa hiệu quả. Nếu giá 1 liều Pfizer do Mỹ sản xuất là 19,5USD (tại thời điểm dịch bệnh bùng phát), thì số lượng vắc-xin "quá đát" trị giá hàng tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn.
TTYT H.Cần Giờ quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ theo quy định khi phân bổ kit test đến các trạm y tế xã, thị trấn nhưng không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, thông tin, chữ ký, danh sách của toàn bộ người đã được xét nghiệm. Ngoài ra, TTYT đã "chỉ định thầu" mua sắm kit test phục vụ công tác sàng lọc, xét nghiệm theo yêu cầu có thu phí khi TP bước vào giai đoạn bình thường mới theo Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30/9/2021 của Chủ tịch UBND TP. Việc này cũng chưa phù hợp pháp luật về đấu thầu.
Đối với UBND H.Cần Giờ: Phần lớn trường hợp đã kết thúc cách ly y tế từ tháng 10, 11, 12/2021 nhưng đến tháng 8/2022 mới được phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Tại thời điểm kết thúc thanh tra cuối năm 2022, vẫn còn một số trường hợp chưa nhận được tiền hỗ trợ. Việc ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ chưa thể hiện đầy đủ thông tin về quyết định cách ly, ngày bắt đầu và ngày giải tỏa cách ly, thời gian nhập viện, xuất viện...
Đảo Cần Giờ nhìn từ trên cao
Đối với UBND xã Thạnh An: Có 77 trường hợp F1, F0 được xã tạm ứng ngân sách chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với số tiền 86,24 triệu đồng nhưng đến cuối năm 2022 vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Để xảy ra các sự việc nêu trên, TTTP xác định trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND H.Cần Giờ, Giám đốc TTYT, Trưởng phòng Y tế huyện, Chủ tịch UBND xã Thạnh An và các tập thể, cá nhân có liên quan theo từng thời kỳ phát sinh vụ việc. Từ đó, Chánh TTTP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND H.Cần Giờ thực hiện 3 "khẩn trương", gồm: Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và khẩn trương chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và quản lý, sử dụng chưa hiệu quả vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn huyện. Chỉ đạo rà soát các trường hợp được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP trên địa bàn theo nguyên tắc bảo đảm chi đúng đối tượng. Trên cơ sở đó, khẩn trương thực hiện chi trả cho các trường hợp đủ điều kiện; đề xuất xử lý đối với các trường hợp đã chi trùng, chi sai đối tượng, chi không đúng thẩm quyền. Khẩn trương rà soát, báo cáo Sở Y tế xin hướng dẫn xử lý đối với 6.828 liều Pfizer đã hết hạn sử dụng.
Đến một loạt chấn chỉnh
Không chỉ lãng phí vắc-xin phòng Covid-19, KLTT số 22 chỉ rõ nhiều vấn đề khác tại H.Cần Giờ, trong đó đáng chú ý là trong số 413 DA đang được theo dõi thực hiện, hầu hết đều chậm tiến độ hoặc chậm quyết toán theo quy định. Trong đó có 23 DA của Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng khu vực H.Cần Giờ và 1 DA của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện đã quyết toán từ năm 2018 đến cuối tháng 11/2022 nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện hoàn trả khoản chênh lệch với số tiền 896 triệu đồng.
Các khoản kinh phí bổ sung từ ngân sách TP cho ngân sách huyện không sử dụng hết, đã kết dư hơn 32,25 tỷ đồng nhưng không nộp hoàn trả cho ngân sách TP.
Từ năm 2015 - 2021, DNTN Phú Hào Khang được UBND H.Cần Giờ tạm giao 19.751,2m2 đất tại thị trấn Cần Thạnh để phục vụ kinh doanh. Việc tạm giao này là không đúng quy định. Đến nay, DNTN này không còn hoạt động tại địa phương, không nộp hơn 777,28 triệu đồng tiền thuê đất.
Trong năm 2020 và 2021, các cơ quan có thẩm quyền thuộc H.Cần Giờ đã tham mưu, ban hành 1.758 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... với số tiền 5,2 tỷ đồng nhưng chỉ thu nộp ngân sách hơn 1,08 tỷ (khoảng 20,8%). Điều này cho thấy việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thi hành quyết định xử phạt chưa được quan tâm và chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có thu ngân sách.
Liên quan đến chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị theo quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/02/2018 của UBND TP, UBND H.Cần Giờ chưa thực hiện đầy đủ theo quy định, không bảo đảm thủ tục thanh toán hơn 2,54 tỷ đồng; trong đó có 616,42 triệu đã chi sai quy định.
Hàng nghìn liều vắc-xin Pfizer hết hạn sử dụng, gây lãng phí rất lớn (Còn tiếp)
Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, UBND huyện có ban hành chương trình nhưng chậm trễ so với quy định; có 4/7 xã không có chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, 2021; một số xã có chương trình nhưng chưa xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiết kiệm cụ thể...
Từ kết quả thanh tra, Chánh TTTP kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, giao Chủ tịch UBND H.Cần Giờ một loạt nội dung, cụ thể như sau: Chỉ đạo chấn chỉnh công tác xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, xử phạt của UBND H.Cần Giờ, UBND các xã, thị trấn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, an ninh trật tự, kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu phạt theo đúng quy định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Chỉ đạo, chấn chỉnh để nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư thuộc huyện quản lý, trong đó yêu cầu phải giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu, hạn chế trường hợp thi công chậm tiến độ nhưng không bị xử lý; thi công không đúng, không đủ khối lượng hoặc có thay đổi so với thiết kế, dự toán được duyệt, để kịp thời xử lý theo đúng các quy định của pháp luật quản lý dự án đầu tư, xây dựng, đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan; khắc phục tình trạng thanh quyết toán trễ hạn, chậm hoàn trả kinh phí thừa cho NSNN để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Chỉ đạo tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt quyết toán đối với các DA (công trình) đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Quá trình thẩm định cần kiểm tra kỹ về khối lượng xây lắp nghiệm thu, chất lượng công trình, để kịp thời xử lý các sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, chỉ đạo thu hồi 896 triệu đồng là khoản chênh lệch giữa giá trị thanh toán lớn hơn số quyết toán của các DA mà chủ đầu tư chưa hoàn trả ngân sách Nhà nước theo quy định.
Khẩn trương chỉ đạo thu hồi ngay số tiền 616,42 triệu đồng đã tạm ứng nhưng chi sai quy định để nộp hoàn trả NSNN. Trường hợp các tổ chức tín dụng tiếp nhận tạm ứng nhưng không hoàn trả đúng thời hạn quy định thì chuyển Cơ quan CSĐT tra để xử lý, đồng thời tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những vi phạm.
Tổ chức kiểm tra rà soát việc quản lý, sử dụng nhà, đất công tại huyện nhằm bảo đảm thực hiện đúng phương án xử lý sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của UBND TP theo đúng Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó cần sớm báo cáo đề xuất UBND TP về phương án xử lý phù hợp, tránh lãng phí đối với các địa chỉ nhà, đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hiện đang để trống; xử lý việc cho thuê đất nông nghiệp công ích không qua đấu thầu tại các xã và các trường hợp cho thuê khác theo đúng quy định của pháp luật.
Khẩn trương báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của Sở Tài chính, Sở NN&PTNN xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến số tiền hơn 1,924 tỷ đồng đã tạm ứng từ năm 2017 và 2018 cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016 của UBND TP (khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020). Trường hợp cần thiết thì báo cáo xin ý kiến của UBND TP để được chỉ đạo, xử lý kịp thời, không để kéo dài.
Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong tập thể lãnh đạo UBND H.Cần Giờ, các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn và các tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm đã nêu trong KLTT...
Đối với các cơ quan chức năng khác: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc tạm giao đất của UBND H.Cần Giờ cho DNTN Phú Hào Khang để báo cáo UBND TP chỉ đạo xử lý theo quy định. Giám đốc Sở Tài chính kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện xử lý số tiền hơn 32,25 tỷ đồng không sử dụng hết theo đúng quy định.
(Còn tiếp...)
Nhóm PV Chuyên đề