Kỳ 1: Nẻo đường dẫn đến… cửa hàng vàng

Kỳ 1: Nẻo đường dẫn đến… cửa hàng vàng
6 giờ trướcBài gốc
Mua bán vàng miếng không phép:
LTS: Giá vàng tăng cao, vượt qua “đỉnh” của năm 2024 lại khiến người dân lên cơn sốt vàng. Cứ mỗi đợt biến động, hiện tượng dòng người xếp hàng tại các cửa hàng vàng lại xuất hiện. Nắm bắt được nhu cầu mua – bán vàng của người dân, những cửa hàng nhỏ lẻ mặc dù không được cấp phép kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn bằng nhiều cách tham gia thị trường này. Tương tự, nhiều người dân cũng bất chấp những rủi ro về chất lượng vàng cũng như rủi ro về pháp lý để bán – mua… Chuyên trang Pháp luật và Xã hội có loạt bài ghi nhận.
Cửa hàng vàng nhỏ tại một khu đô thị ở Hà Nội. Ảnh: N.D
Chợ ngầm trên mạng xã hội
Giá vàng liên tục biến động, từ đầu năm nay giá vàng trong nước liên tục phá vỡ các “đỉnh” đã lập trước đó. Mặc kệ những lên xuống thất thường, cũng mặc kệ những cảnh báo của các chuyên gia, vàng càng lên thì lại càng nhiều người dân đến xếp hàng tại các thương hiệu lớn, những cửa hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng để mua vàng.
Tuy nhiên ghi nhận tại thị trường, không phải lúc nào người dân xếp hàng cũng mua được vàng như mong muốn. Có những thời điểm, các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, Doji… chỉ bán 1, 2 chỉ cho người dân. Còn vàng miếng, theo nhiều người còn có lúc muốn mua phải đặt tiền trước và nhận vàng sau.
Nắm bắt được nhu cầu mua – bán vàng của người dân, nhiều người rỉ tai nhau tìm mua vàng miếng tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ. Vào vai 1 người muốn mua vàng miếng để xử lý việc nhà, phóng viên tìm đến 1 số cửa hàng nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội. Tại một số cửa hàng vàng tại phố Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), khi được hỏi có giao dịch vàng miếng không, các nhân viên ở đây đều lắc đầu cho biết, chỉ bán vàng nhẫn. Tương tự, ở một số cửa hàng trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng lắc đầu khi hỏi về vàng miếng.
Mọi cửa hàng tưởng chừng như trong sạch. Nhưng Hà Quyên (quận Hà Đông, Hà Nội), một người chuyên mua – bán vàng lướt sóng để kiếm lời, cho biết, các cửa hàng vàng nắm khá rõ Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nên sẽ không bán công khai. Theo chị Hà Quyên, các cửa hàng vàng thường có những kênh giao dịch ngầm, thông qua những mối quan hệ quen biết hoặc thông qua các chợ online trên mạng xã hội.
“Ở các nhóm mua bán vàng 9999, vàng miếng SJC… sẽ có thượng vàng hạ cám người rao bán, cần mua. Từ những cá nhân ôm vàng để lướt, đến những “cò vàng” săn tìm vàng giá rẻ và của chính các cửa hàng kinh doanh vàng nhưng không được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Ở đây bán vàng miếng, vàng nhẫn thường sẽ thấp hơn giá thị trường. Họ tính theo công thức tự định ra. Cụ thể, giá giao dịch sẽ là giá bán ra cộng giá mua vàng trên thị trường chia đôi.” - chị Hà Quyên cho biết.
Cũng theo chị Hà Quyên, ngoài việc kiếm khách để bán vàng miếng trên mạng xã hội, nhiều cửa hàng cũng lên đó “săn” nguồn hàng rẻ từ những khách hàng muốn bán. Thậm chí theo Hà Quyên, có thời điểm có cả nhân viên của những cửa hàng được cấp phép tham gia trên nguồn chợ này.
Những mẩu tin đăng trên mạng xã hội sau khi thỏa thuận về giá cả thì "lối" dẫn thường là về các cửa hàng vàng nhỏ lẻ. Ảnh chụp màn hình
Từ chợ mạng dẫn đến… cửa hàng thật
Theo lời mách của Hà Quyên, phóng viên tham gia vào nhóm Cộng đồng trao đổi – mua bán vàng 9999, một cộng đồng có tới hơn 85 nghìn thành viên. Ở đây, việc mua bán giao dịch vàng miếng, vàng nhẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Liên hệ với tài khoản có tên M.Q, tài khoản này trước đó đã đăng rao bán 18 lượng vàng SJC với giá 123 triệu đồng/lượng, M.Q này ban đầu khẳng định: “Em không phải dân buôn, nhưng giờ cần tiền thì bán thôi”.
Tuy nhiên sau 1 lúc trao đổi về giá cả, cách thức giao dịch và sự đảm bảo thì M.Q “hạ bài”: “Anh/chị có thể về Yên Phong, Bắc Ninh hoặc ra 221 Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) để lấy vàng”. Và khi kiểm tra địa chỉ trên googlemap, địa chỉ 221 Ngô Gia Tự lại thuộc về một cửa hàng kinh doanh vàng bạc.
Khi được hỏi sao lại giao dịch ở cửa hàng vàng, M.Q lại thay đổi, nói: “Em ra đó để lấy vàng về, nếu anh/chị lấy thì em để lại cho mấy cây” và khẳng định, sẽ có giấy đảm bảo của chính cửa hàng.
Tương tự, chúng tôi tiếp tục liên hệ với tài khoản có tên K.D cũng đang rao bán vàng SJC với giá hơn 121 triệu đồng/lượng. Không lòng vòng, K.D nói luôn về phương cách giao dịch: 1 là khách hàng tự ra cửa hàng có địa chỉ tại 47 đường Láng, 2 là K.D sẽ cho nhân viên giao tận nơi. Khi được hỏi 47 đường Láng là địa chỉ cửa hàng hay nhà riêng, K.D cho biết, đó là địa chỉ cửa hàng và khẳng định, có giấy mua bán của SJC, đồng thời cửa hàng cũng sẽ cung cấp hóa đơn mua bán cho khách.
Không dừng lại ở việc “ngầm” mua rao bán – mua trên mạng xã hội, nhiều những tài khoản ẩn danh còn liên tục đưa ra những thông tin trái chiều để kích thích người mua bán. Có thời điểm, vừa sáng sớm 1 tài khoản tung ra thông tin vàng sắp lên đột biến và kích động người muốn mua thì mua ngay để kiếm lời thì ngay chiều hôm đó, lại đưa thông tin giá vàng đang sụt giảm, người lướt sóng cần “xả luôn để kịp thở”… Tuy nhiên, giá vàng mua vào hay bán ra vẫn ở mức giá cao!
Hiện tại, kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Việc các cửa hàng không phép tham gia mua bán vàng miếng nên sẽ không theo bất cứ một quy luật nào. Lúc thị trường bình ổn, vàng miếng ở các cửa hàng sẵn để cung cấp thì giá vàng ở thị trường tự do có thể thấp hơn. Nhưng thời điểm vàng khan hiếm, lợi dụng nhu cầu cần kíp của người dân, giá vàng ở thị trường này cũng tự do mà đẩy.
Việc mua bán vàng miếng với các cơ sở không phép theo đó ngoài rủi ro về giá, người mua còn có nguy cơ bị lừa đảo. Các hình thức phổ biến là đối tượng đăng trên hội, nhóm có nguồn vàng SJC bằng với giá niêm yết nhưng khi giao dịch lại là vàng nhái, vàng giả hoặc yêu cầu người mua chuyển tiền trước nhưng không giao vàng. Thậm chí đã từng xảy ra trường hợp kẻ xấu hẹn giao dịch, sau đó "đánh" thuốc mê, cướp tiền, vàng.
Ngoài ra, người mua vàng ở các điểm không cấp phép còn đứng trước nguy cơ vi phạm các quy định của pháp luật. Cụ thể, điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm: mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần…
Căn cứ khoản 8 điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh mua bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh vàng miếng thì có thể bị xử phạt từ 300 - 400 triệu đồng, và bị phạt bổ sung là tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Cũng tại Điều 10 Nghị định này quy định, hoạt động mua bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân mua bán vàng miếng tại các cơ sở không có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 3 và Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP
Đối với cá nhân
Cá nhân mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo.
Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, cá nhân sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP
Đối với tổ chức
Theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP, các tổ chức mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị xử phạt như sau:
Cảnh cáo đối với hành vi mua bán vàng miếng lần đầu tại cơ sở không có giấy phép. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Ngoài ra, Khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định, đối với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng mà không có giấy phép, mức phạt có thể lên đến 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, đồng thời tịch thu số vàng vi phạm theo hình thức xử phạt bổ sung.
Hình thức xử phạt bổ sung này là tịch thu số vàng vi phạm, áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c, Khoản 8 Điều 24 của Nghị định này.
(Còn nữa)
Minh Dương - Lê Đạt
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-neo-duong-dan-den-cua-hang-vang-418547.html