Kỳ 2: Đi thẳng vào vấn đề then chốt, góp phần hoàn thiện thể chế

Kỳ 2: Đi thẳng vào vấn đề then chốt, góp phần hoàn thiện thể chế
3 giờ trướcBài gốc
Góp ý để chỉnh sửa thực chất, không dừng ở hình thức
Không còn là những góp ý chung chung như "đề nghị nghiên cứu thêm", "cần cụ thể hóa nội dung", hiện nay mỗi ý kiến của cán bộ CA tham gia góp ý đều đi thẳng vào các vấn đề then chốt: cơ sở pháp lý của quy định, tính hợp hiến - hợp pháp - hợp lý, mức độ khả thi khi áp dụng, khả năng phát sinh tiêu cực, tính liên thông với các luật hiện hành...
Một chỉ huy cấp Phòng tại CA TPHCM chia sẻ: "Chúng tôi luôn yêu cầu cán bộ tham gia góp ý phải phân tích ba tầng: đúng - trúng - sát. Đúng về cơ sở pháp lý và chủ trương. Trúng với thực tế nghiệp vụ và yêu cầu công tác. Sát với từng tình huống cụ thể mà cán bộ CA thường xuyên phải đối mặt".
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, lực lượng CA đã tham gia góp ý cho nhiều dự thảo luật lớn như: Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Lưu trữ, Luật Tài nguyên số...
Lực lượng Công an đến tận nhà hỗ trợ người dân làm CCCD
Một trong những điểm nổi bật là góp ý cho Luật Căn cước. Nhiều đơn vị CA đã đề nghị mở rộng phạm vi khai thác, kết nối dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các cơ quan khác có liên quan, để giảm thủ tục hành chính cho người dân, đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó có việc kiến nghị nên quy định rõ về việc sử dụng CCCD gắn chíp làm thẻ y tế, thẻ bảo hiểm xã hội, bằng lái xe... và thống nhất cơ chế xác thực số, tránh tình trạng người dân phải mang nhiều giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính. Ý kiến này sau đó đã được ban soạn thảo tiếp thu và thể hiện trong dự thảo mới nhất của luật.
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, CA nhiều địa phương đề xuất cụ thể hóa vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp... nhằm bảo đảm tính thống nhất và tránh chồng chéo khi phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Riêng với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ - một trong những văn bản được góp ý sôi nổi nhất, các đơn vị như Cục CSGT cùng CA các địa phương đưa ra kiến nghị làm rõ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tại hiện trường, phương thức giám sát qua thiết bị điện tử và xử lý hình ảnh vi phạm. Những góp ý đó đã giúp dự thảo luật sát hơn với công tác thực tế và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong quản lý giao thông.
Chất lượng góp ý được bảo đảm nhờ nền tảng nghiệp vụ vững vàng
Không thể phủ nhận rằng lực lượng CA là một trong những đối tượng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp và toàn diện với quá trình thực thi pháp luật. Chính vì vậy, góp ý của họ mang tính đặc thù rất cao, phản ánh đúng thực tế, đúng vấn đề và đúng nhu cầu xã hội.
Một số góp ý đã chứng minh được chiều sâu chuyên môn, như việc đề nghị bổ sung các quy định về xử lý tình huống tội phạm công nghệ cao trong Luật an ninh mạng; hay như kiến nghị liên quan đến quyền khởi tố, tạm giữ trong Luật hình sự và tố tụng hình sự - đều được trình bày dưới góc nhìn nghiệp vụ, có đối chiếu với hồ sơ vụ việc cụ thể.
Đặc biệt, trong góp ý các văn bản luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các cán bộ CA đều thể hiện sự thận trọng, đặt mục tiêu bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân lên hàng đầu. Các ý kiến không chỉ hướng tới hiệu quả quản lý Nhà nước, mà còn đề cao tính nhân văn, tránh tình trạng lạm quyền hoặc áp dụng máy móc.
Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Căn cước do Bộ CA tổ chức vào cuối năm 2023, nhiều ý kiến của CA các tỉnh phía Nam được đại diện ban soạn thảo đánh giá là "có chiều sâu thực tiễn, giúp hoàn thiện nội dung mang tính then chốt".
Một số kiến nghị bổ sung điều khoản về thời gian giải quyết cấp CCCD cho người chuyển vùng cư trú nhằm tránh tình trạng chồng hồ sơ và gây chậm trễ khi người dân thay đổi địa phương sinh sống. Kiến nghị này được tiếp thu và sửa đổi thành quy định: "Thời hạn cấp mới CCCD không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ".
Với việc hoàn thiện Luật Căn cước 2023, nhiều người dân được tạo điều kiện đổi hoặc cấp mới thẻ căn cước
Tương tự, góp ý về việc kiểm tra, đối chiếu dữ liệu khi cấp giấy phép lái xe bằng CCCD đã góp phần hoàn thiện quy trình kết nối dữ liệu giữa Bộ CA và Bộ GTVT, tạo thuận lợi lớn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Những đóng góp như vậy không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà còn cho thấy lực lượng CA đang đóng vai trò tiên phong trong việc "luật hóa" thực tiễn - một yêu cầu tất yếu để pháp luật gắn liền với đời sống, không tách rời công tác quản lý.
Góp ý đúng trọng tâm để pháp luật phục vụ thực tiễn
Một thực tế dễ nhận thấy là những vấn đề được góp ý kỹ càng ngay từ khâu dự thảo thường sẽ ít gặp vướng mắc khi đưa vào thực tế thi hành. Chính vì vậy, việc lực lượng CA góp ý sâu sắc là cách chuẩn bị cho quá trình thực hiện hiệu quả hơn sau này. Cũng từ tinh thần đó, lực lượng CA không chỉ xem việc góp ý là trách nhiệm pháp lý đơn thuần, mà còn là cơ hội để đưa thực tiễn công tác vào chính sách, từ đó giúp luật pháp sát thực hơn, khả thi hơn. Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở - những người hiểu rõ nhất những khó khăn, bất cập nảy sinh trong thực tế - được khuyến khích tham gia đóng góp, đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều khoản chưa rõ, chưa phù hợp. Từ những kinh nghiệm công tác hàng ngày trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý hành chính, giữ gìn ANTT, mỗi ý kiến đóng góp đều mang giá trị thực tiễn cao, là chất liệu quý cho quá trình hoàn thiện các dự án luật.
Nhiều đơn vị CA còn tổ chức các diễn đàn lấy ý kiến chuyên sâu, mời các chuyên gia pháp lý, nhà nghiên cứu, giảng viên luật cùng thảo luận với cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, các góp ý không chỉ mang tính nghiệp vụ mà còn được đặt trong khung khổ lý luận pháp luật, bảo đảm sự cân bằng giữa thực tế và quy phạm. Những đợt góp ý như vậy không chỉ thể hiện sự cầu thị, nghiêm túc mà còn giúp lực lượng CA nâng cao trình độ tư duy pháp luật, chuẩn bị nền tảng vững chắc cho giai đoạn tổ chức thực hiện luật sau này.
Từ việc góp ý xây dựng luật, lực lượng CA từng bước khẳng định vai trò chủ động, tích cực trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - nơi pháp luật thực sự là công cụ điều chỉnh hiệu quả và công bằng cho đời sống xã hội. Không ít trường hợp cho thấy, do được góp ý thấu đáo từ ban đầu, khi luật được ban hành thì lực lượng thực thi đã "thuộc bài", chủ động triển khai các biện pháp phù hợp. Điều đó không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo lại, mà còn nâng cao uy tín của pháp luật trong mắt người dân.
Cũng vì lẽ đó, Bộ CA xác định công tác góp ý không thể làm qua loa, càng không được phó mặc cho bộ phận pháp chế. Mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đều được khuyến khích đóng góp ý kiến, bởi họ là người hiểu rõ nhất "điều gì cần thay, điều gì cần giữ".
Góp ý dự thảo luật không đơn thuần là một thủ tục hành chính, mà là một nhiệm vụ chính trị cao cả, phản ánh trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của lực lượng CA với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền. Những góp ý sắc bén, đúng trọng tâm, sát thực tiễn không chỉ làm rõ bản chất các vấn đề pháp lý, mà còn mở đường cho những cải cách cần thiết trong quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền công dân.
NHÓM PHÓNG VIÊN CTXH
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/tin-chinh/ky-2-di-thang-vao-van-de-then-chot-gop-phan-hoan-thien-the-che_178275.html