Kỳ 2: Hai chữ 'vì dân'

Kỳ 2: Hai chữ 'vì dân'
3 giờ trướcBài gốc
* Biên cương thắm đượm tình quân - dân
An cư để bảo vệ biên giới
Pa Ủ là xã khó khăn nhất của huyện Mường Tè với 12 bản, gần 3.800 nhân khẩu, trong đó dân tộc La Hủ chiếm đến 98% và đại đa số sinh sống ở Lai Châu. Xưa kia, nhiều người gọi đây là “bộ tộc lá vàng”. Phận đời của người La Hủ được ví như chiếc lá là bởi họ có tập tục sống du mục, lang thang nơi rừng này núi kia, sống dựa vào thiên nhiên. Tục ngữ có câu: “An cư mới lạc nghiệp”, khi chưa tìm được vị trí ổn định để làm ăn sinh sống, dân tộc này còn đói nghèo đi kèm với lạc hậu. Chính thực trạng đó đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu và những kẻ gieo rắc “cái chết trắng” lợi dụng dẫn họ đến con đường phạm pháp.
Không thể để kéo dài tình trạng này, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã có nhiều giải pháp nhằm xốc lại tinh thần, tìm cách an cư cho dân, tận dụng sức dân làm nên bức rào chắn vững chắc cho vùng biên giới. Đầu tiên phải kể đến việc xây dựng nhà ở. Tính đến nay, riêng Đồn Biên phòng Pa Ủ đã làm hơn 100 căn nhà kiên cố tại các bản: Pha Bu, Hà Si, Mu Chi, Tân Biên… để hướng người dân La Hủ về cuộc sống ổn định. Ngoài ra còn có những mô hình: nuôi bò tập trung, trồng cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng..., trong đó trồng lúa nước 2 vụ được xem là việc khó khăn nhất mà cán bộ, chiến sỹ (CBCS) biên phòng nơi đây đã làm được.
Đại tá Trần Nguyên Kỷ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng lãnh đạo Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đưa “Con nuôi của đồn” đến nhập học tại Trường Sỹ quan Pháo binh.
Minh chứng cho những thay đổi ngoạn mục trong nếp nghĩ, cách làm của người La Hủ, Đại úy Tẩn Lao San - Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Pa Ủ) đưa chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa nước 2 vụ tại bản Pa Ủ vào tiết thu. Thời điểm này, lúa đang đẻ nhánh rộ, xanh tốt báo hiệu vụ mùa bội thu. Thấy bộ đội đến, bà con đi theo lên thăm đồng. Đại úy San chia sẻ: “Khi thấy lá lúa bị xoăn hoặc đốm nâu là lúa có bệnh, phải khẩn trương tìm cách phòng trừ, tránh để lan ra diện rộng. Nếu lúa bị bệnh sẽ giảm năng suất, bà con sẽ không đủ thóc, gạo mà ăn”. Mọi người gật gù, hiểu chuyện, chúng tôi biết, “trái ngọt” thu về của những người lính sau nhiều lần xuống ruộng cùng với dân cầm cuốc vỡ bờ, cấy lúa không chỉ là những bao thóc căng tròn sau mỗi mùa thu hoạch, mà cái được lớn nhất là đã làm mới tư duy, nhận thức đã cũ mèm và trở nên quá lạc hậu của bao đời người dân La Hủ.
Mang theo niềm vui với những người lính biên phòng ở Pa Ủ, chúng tôi ngược về “miền đất gió”, vượt qua con dốc nhỏ từ khu vực Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng đến với Đồn Biên phòng Huổi Luông (huyện Phong Thổ). Đây là đơn vị “kiểu mẫu” của lực lượng biên phòng với 12 năm liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, 19 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen. Nhưng đó chưa bao giờ là thành công mỹ mãn, mà sau những danh hiệu đó, những người lính biên phòng đã “đắp thành, xây lũy”, bảo vệ biên cương bằng những mô hình kinh tế bền vững để bà con bám biên, an cư sinh sống bằng nội sinh, nội lực.
Khoảng 30 phút đi bộ ngược dốc từ trục đường chính qua những dải bê-tông vắt ngang lưng đồi, chúng tôi theo chân các chiến sỹ của đồn “thâm nhập” vùng trồng măng tre Bát Độ thuộc bản Hồ Thầu (xã Huổi Luông). Trước mắt chúng tôi là những khóm tre mơn mởn tầng tầng, lớp lớp. Dưới bóng lá tre che rợp bầu trời, chị Phàn Thị Phương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Huổi Luông hồ hởi “khoe”: Tre giữ làng, giữ nước; tre bảo vệ con người; tre anh hùng lao động; tre anh hùng chiến đấu mà! Thế nên 60 hội viên phụ nữ trong xã xung phong vỡ đất, ngày đêm chăm sóc để những khóm tre vươn mình mạnh mẽ!.
Đây là thành quả của việc nhân rộng mô hình “Lũy tre biên thùy” của BĐBP Lai Châu trong nhiều năm qua. Thiếu tá Nguyễn Hữu Kiểm - Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông niềm nở nói: “Lũy tre biên thùy” là mô hình đầu tiên được triển khai trên biên giới Lai Châu. Phạm vi trồng tre dọc theo đường biên giới từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60 dài gần 3km. Việc trồng tre tiến hành cách đường biên giới khoảng 20m về phía Việt Nam và ở ngoài phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới. Trên 3.000 cây tre Bát Độ đã được trồng với tổng kinh phí 90 triệu đồng được đóng góp từ đơn vị và các tổ chức Hội LHPN của thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, xã Huổi Luông. “Lũy tre biên thùy” không chỉ tạo “hàng rào mềm” biên giới, sau 3-5 năm, cây tre có thể cho thu hoạch măng, tạo nguồn thu nhập giúp người dân cải thiện cuộc sống.
Trên khắp dọc dài miền biên ải ở Lai Châu, còn vô số những mô hình hay, cách làm hiệu quả được lực lượng biên phòng đồng hành, giúp sức với dân, triển khai các mô hình kinh tế như: nuôi gà, vịt, trâu; giúp dân trồng, thu hoạch mùa màng; hướng dẫn người dân trồng màu, rau xanh… Mỗi nơi một cách làm, cách triển khai nhưng đều có chung đích đến đó là giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân, giúp nhân dân an cư, giữ đất, giữ rừng.
Nuôi “con chữ”, gieo ước mơ
Tin vui mà chúng tôi vừa nhận được khi thực hiện tác phẩm này đó là em Lý A Hòa (sinh năm 2006, dân tộc Dao ở bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) - con nuôi của Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ vừa đỗ Trường Sĩ quan Pháo binh. Lý A Hòa có hoàn cảnh rất đáng thương, mồ côi bố từ lúc 5 tuổi, mẹ bị tàn tật, câm điếc, không có khả năng lao động. Em ở cùng người thân và luôn có ý chí vượt qua nghịch cảnh, học tập tốt. Nhận thấy điều đó, năm 2015, em Hòa được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, giao cho Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ phụ trách. Ngoài chăm lo kinh phí cho Hòa học tập, CBCS đồn biên phòng Sin Suối Hồ còn thường xuyên quan tâm động viên, định hướng để Hòa vươn lên thực hiện ước mơ trở thành sĩ quan quân đội.
Quân và dân xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) chăm sóc tre Bát Độ từ mô hình “Lũy tre biên thùy”.
Nhờ được BĐBP nuôi dưỡng, kèm cặp chỉ bảo và sự giáo dục của nhà trường, Lý A Hòa học tập tiến bộ, khẳng định bản thân. Tốt nghiệp THPT, Hòa đăng ký nguyện vọng vào Trường Sĩ quan Pháo binh và trúng tuyển. Sau khi có giấy báo nhập học, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu trực tiếp đưa em về trường làm thủ tục nhập học. Tại đây, Trung tướng Nguyễn Văn Oanh - Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã thăm hỏi, động viên Hòa cố gắng rèn luyện, học tập trở thành quân nhân tốt. Như vậy, nhờ sự quan tâm chăm lo của những người lính biên phòng đã giúp những hoàn cảnh kém may mắn nhưng có ý chí vươn lên như Hòa viết tiếp ước mơ cho tương lai, sau này trở về tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương Lai Châu. Sự thành công trong học tập của em Hòa đã nhen lên ánh sáng của ý chí, trí tuệ và khát khao chinh phục ước mơ. Phía sau thành công đó là ý nghĩa nhân văn mà các chiến sỹ biên phòng đã và đang thực hiện.
Nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, đỡ đầu những trẻ em thiệt thòi, thiếu thốn làm “con nuôi” của đồn đã trở thành truyền thống tốt đẹp, nhân văn, cũng là thành quả thiết thực nhằm thực hiện phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” của lực lượng BĐBP Lai Châu. Nghĩa cử đó đã góp phần nuôi dưỡng và nhân lên những việc làm tử tế, thiện lương, làm đẹp thêm những đóa hoa nhân đức của cuộc đời. Chưa dừng lại ở đó, lực lượng BĐBP còn đồng hành với nhân dân trong những vụ thu hoạch nông sản, làm đường giao thông đến những bản xa; sửa chữa, làm mới nhà ở; vận động học sinh trở lại trường; quên hiểm nguy tham gia giúp dân dập lửa, cứu rừng, cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn… Làm nhiệm vụ ở những địa bàn vùng núi hoang vu hiểm trở, địa hình khắc nghiệt, đã có những sự hy sinh đầy đau thương và tiếc nuối không nói được nên lời. Nhiều CBCS đã dũng cảm hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới, trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Trong chiến đấu, công tác, những người lính biên phòng luôn một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, được đồng bào các dân tộc thương yêu, đùm bọc đúng như lời Bác Hồ khẳng định tình cảm: “Quân với dân như cá với nước”.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân để được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ, bao bọc và chở che. Chỗ dựa vững chắc nhất của quân đội là lòng dân, bởi vậy, trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người lính. Và vì thế, không chỉ giữ nước, giữ bản làng, quê hương, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân an cư, bộ đội còn giúp dân khai thông dân trí, từ bỏ hủ tục, hướng đến cuộc sống mới, văn minh, tươi sáng hơn.
(Còn nữa)
Bạch - Vương - Trang
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/ninh-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng/k%E1%BB%B3-2-hai-ch%E1%BB%AF-v%C3%AC-d%C3%A2n