Thương nhau cất lời Pá Dung
Hát “Pá Dung” là hình thức hát giao duyên của người Dao, phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Hát “Pá Dung” ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng người Dao. Loại hình nghệ thuật này được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao ở Bắc Kạn.
Mặt trời chầm chậm khuất dần sau dãy núi xanh thẫm, hoàng hôn đỏ rực nhuộm hồng cả không gian thanh bình của Bản Cuôn. Trong căn bếp nhỏ, lửa tý tách reo vui, mùi cơm thơm ngọt cuốn theo làn khói tỏa đi khắp căn nhà ba gian. Bà Hoàng Thị Phùng, lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, cất giọng vang vang hát một điệu Pá Dung, giọng hát da diết, ngân nga đưa chúng tôi về câu chuyện thủa bà mới đôi mươi…
Ngày bà Phùng còn thanh niên là những năm tháng gian khó, đói nghèo, quanh năm gắn bó với nương rẫy. Người trẻ lúc ấy bao giờ cũng mong đến mùa xuân với những lễ hội rực rỡ. Tết đến, ngoài được đi hội gặp gỡ, được chơi đánh cù, bịt mắt bắt dê, tung còn… thì còn là dịp để thanh niên tìm bạn hát Pá Dung. Bà Phùng và ông Triệu Tài Kim quen nhau cũng vào mùa xuân...
Mối duyên của bà Phùng, ông Kim cũng bắt nguồn từ lần bà bước bộ vượt gần 30km từ xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) đến Bản Cuôn hát Pá Dung. Sau đêm hát đối làm quen nhau, mùa xuân năm sau ông Kim mới có dịp đến bản của bà Phùng. Cứ như vậy, phải đến 4-5 năm, mỗi năm gặp nhau 1-2 lần ông bà mới về chung một nhà. Nhắc về dấu mốc đặc biệt này, ông bà hát lại cho chúng tôi nghe những câu hát mà có lẽ sẽ đi theo họ suốt cuộc đời.
“Không chê gia đình nghèo thì cùng nhau chung sống”
“Sau này, chúng ta cố gắng lên. Nếu mình chung thủy từ từ sẽ có”
“Nếu có được tấm lòng như thế, chúng ta cùng chung sống muôn thủa”
Những câu hát đã gắn kết ông Kim và bà Phùng đến bên nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Câu chuyện của chúng tôi cứ nối dài như thế, chỉ đến khi ông Kim bắc chiếc chảo gang to lên bếp, liên tay xào đĩa măng với lá tỏi, giọng ông trầm buồn hẳn: Thế hệ gắn liền với Pá Dung giờ đã xa lắm rồi. Ngày xưa lên nương, đi ruộng thậm chí có vui buồn cũng dùng Pá Dung mà bày tỏ. Vậy mà lớp trẻ bây giờ có mấy ai biết hát Pá Dung. Có một thời gian, Pá Dung như biến mất trong đời sống. Những năm gần đây, văn hóa truyền thống được quan tâm hơn, Pá Dung cũng được khôi phục lại, người biết hát Pá Dung như tôi cũng được đi hát ở các lễ hội, các chương trình văn nghệ. Thôn cũng có người trẻ đi học hát Pá Dung nhưng không nhiều và chẳng có ai là nam giới cả. Chỉ mong sao bản sắc văn hóa dân tộc còn mãi…
Những sợi chỉ sắc màu nối dài truyền thống
Nếu đã có dịp tham dự một lễ hội của tỉnh Bắc Kạn, chắc hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng trước trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đỏ. Bộ trang phục cầu kỳ như một công trình công phu từ chiếc mũ đội đầu cho đến gấu quần, gấu váy. Sắc đỏ chủ đạo của trang phục như một màu nền rực rỡ làm tôn lên tất thảy màu sắc của bộ váy áo, nó thu hút và khiến người ta mê mẩn theo từng bước chân của phụ nữ Dao đỏ. Và quả thật không nói quá khi đây là một công trình công phu, đầy tự hào từ những đôi tay lao động khéo léo.
Trang phục người Dao đỏ đặc sắc nhất là hoa văn, ngoài những quả bông đỏ, một vài trang sức bạc thì còn lại là thêu tay. Cách thêu của người Dao cũng đặc biệt, họ thêu ở mặt trái, hoa văn lại nổi lên mặt phải của vải. Với cách thêu này không thể vẽ sẵn mẫu lên vải mà chỉ nhìn vào mẫu hoặc đã thuộc lòng. Trang phục Dao đỏ ở Bắc Kạn gồm hai loại: thường phục và lễ phục. Ngoài trang phục nam, nữ còn có trang phục phù dâu, trang phục thầy cúng, trẻ em nam, trẻ em nữ.
Tại Bản Cuôn, từ những em bé mới lọt lòng đã có chiếc mũ vải chàm, có đính ba quả bông đỏ và chiếc chuông nhỏ. Trên thân mũ, những hình thêu tay đều đặn đủ màu sắc xếp theo hàng ngay ngắn như những thông điệp từ thiên nhiên và may mắn đến cho em bé được sinh ra giữa đại ngàn. Chúng tôi - những người vô cùng yêu mến các giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương Bắc Kạn, đã rất xúc động khi thấy những em bé khoảng 4-5 tuổi nô đùa với nắng trong trang phục truyền thống. Thật tự hào biết bao khi ở một vùng quê, người dân vẫn giữ trọn được nét văn hóa truyền thống, để dù đi đến đâu, sắc màu rực rỡ ấy như một lời khẳng định: “Tôi là người dân tộc Dao đỏ”.
Cặm cụi hoàn thành nốt chiếc khăn đã được đặt hàng, chị Triệu Thị Đường cười thật hiền: "Tôi bắt đầu cầm kim thêu từ năm 14 tuổi, được bà dạy cho. Lúc ấy chỉ đơn giản là thích thôi vì đi chăn trâu thấy các chị đua nhau thêu thích lắm. Mới cầm kim rất tò mò, cứ lẩm nhẩm trong đầu “Ba lên một xuống”, phải thêu thật cẩn thận vì nhầm một mũi là phải tháo ra làm lại. Học thêu tôi cũng học được cách điềm tĩnh hơn, không vội vàng, hấp tấp. Khó nhất là lúc thêu hoa dài phần thắt lưng, tôi thêu mãi không được, tức quá còn bỏ thêu một thời gian, sau mới tập lại. Thêu hoa mặt trời là thích nhất vì cầu kỳ và cũng rất đẹp".
Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục Dao Đỏ nhìn chung được thể hiện rất đa dạng và phong phú. Một trong các yếu tố quan trọng là việc xử lý các bố cục với màu và hình. Các mô típ hoa văn được thể hiện rất sinh động qua phong cách trang trí bố cục, màu sắc và xử lý cụ thể trên từng bộ phận, từng chức năng trang phục trong sinh hoạt thường ngày, trong lễ cưới hay trong trang phục thầy cúng, trẻ em… Nghệ thuật trang trí hoa văn là điểm tập trung là “thần thái’’ của tâm hồn cộng đồng Dao được thể hiện phần nào trên trang phục.
Trong gian bếp còn vương khói, bà Triệu Thị Tam vẫn dạy cháu bé mới lớp 2 từng đường kim, mũi chỉ. Trên nương, những câu Pá Dung dù hiếm hoi vẫn cất lên giữa mênh mông rừng núi. Có thể mai này, lớp trẻ không còn thuộc hết lời hát xưa, nhưng tin rằng, chỉ cần còn người kiên nhẫn thêu lại hoa văn cũ, còn người tha thiết cất lên lời Pá Dung, thì di sản ấy vẫn kiên cường vượt qua thời gian.
Giữ gìn di sản không chỉ là giữ một tập quán, một nghề thủ công, mà là giữ lấy căn cước văn hóa của cả một cộng đồng. Ở Bản Cuôn hôm nay, hành trình gìn giữ ấy không còn là chuyện riêng của một vài người lớn tuổi. Ở Kỳ 3, mời bạn đọc sẽ cùng trở lại Bản Cuôn để thấy rõ hơn hành trình ấy: Hành trình đồng lòng thắp lửa truyền thống giữa nhịp sống hiện đại./. (Còn tiếp)
Bích Phượng