Kỳ 2: Những cuộc hiến tế kinh hoàng

Kỳ 2: Những cuộc hiến tế kinh hoàng
4 giờ trướcBài gốc
Cũng liên quan đến cái chết của những đứa trẻ nhưng lại mang đến nỗi ám ảnh cho các nhà khoa học về phương diện khảo cổ khi phát hiện ra sự thật, vì chính những vấn đề liên quan đến thời tiết (mưa lũ, hạn hán, giông bão...) hoặc thay đổi môi trường sống làm gián đoạn hoạt động nông nghiệp trong khu vực có thể đóng vai trò chủ yếu trong tập tục kinh hoàng này…
Hiến tế trẻ cho thần mưa
Sau khi hài cốt của những đứa trẻ từ 2-7 tuổi được phát hiện ở Templo Mayor, quần thể đền thờ quan trọng nhất tại Tenochtitlán, nay là TP.Mexico, vào năm 1980 và 1981, theo nghiên cứu mới nhất vừa công bố tại Hội thảo Water and Life (Nước và cuộc sống) được tổ chức tại Đại học Quốc gia Mexico, nghi thức hiến tế ít nhất 42 đứa trẻ trên chỉ nhằm "xoa dịu cơn thịnh nộ của thần mưa" trong đợt hạn hán kéo dài ở thành bang Tenochtitlán vào thế kỷ XV, trùng với đợt hạn hán nghiêm trọng trong khu vực. Những bộ hài cốt được mô tả nằm ngửa, với các chi gập lại, nằm trong hộp đá khối trên nền cát, một số đeo đồ trang sức và ngậm các hạt đá xanh li ti trong miệng, xung quanh là vỏ sò, với 11 bức tượng làm từ đá núi lửa bao quanh. Theo các chuyên gia khảo cổ, nhiều khả năng đây là tế phẩm được dâng lên tlaloque - những người lùn được xem là trợ tá của thần mưa và thần sinh sản Tláloc để giúp chấm dứt đợt hạn hán nặng nề giáng xuống khu vực. Trên thực tế, việc trang điểm cho trẻ hiến tế có thể là một trong các nỗ lực để khiến những đứa trẻ giống với những chú lùn mưa nhằm xoa dịu "cơn thịnh nộ" của họ.
Gương mặt được phục dựng của trinh nữ băng Ampato bị hiến tế năm 14 tuổi trên núi Andes. Ảnh: Oscar Nilsson
Qua nghiên cứu dữ liệu địa chất, các nhà khoa học phát hiện trận hạn hán tàn khốc trong quá trình xây Templo Mayor xảy ra mất mùa, đói kém... khiến các gia đình nghèo phải bán con cái để đổi lấy cái ăn. Trước đó, người Carthage, Tunisia từng thực hiện các lễ hiến tế trẻ em nhằm cầu xin được thần linh che chở, phù hộ có cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Lễ vật xoa dịu "cơn thịnh nộ" của các vị thần?
Theo chuyên gia về nhân chủng học Kim MacQuarrie, khả năng trong lúc cố gắng ngăn chặn thảm họa trên vành đai lửa Thái Bình Dương, người Inca đã phải nhờ đến tôn giáo với suy nghĩ rằng các hiện tượng núi lửa, sấm sét, động đất, mưa lũ... đều do các vị thần sai khiến. Chính vì thế, muốn tồn tại, họ đã phải tìm mọi cách hình thành mối quan hệ tương hỗ với các thần linh; trong đó, thiết thực nhất là dâng lên nhiều lễ vật khác nhau, từ những lời cầu nguyện đến thức ăn và vải dệt cho đến hiến tế động vật và cuối cùng là con người.
Tùy vào những thời điểm đặc biệt, nhất là khi núi lửa phun trào hoặc xảy ra động đất nghiêm trọng, cả nạn đói chực chờ, giữa lúc các chiến binh bị bắt giữ thì những đứa trẻ - cả trai lẫn gái - đã trở thành vật hiến tế hoàn hảo cho thần linh. Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng khi tiến hành các buổi hiến tế rùng rợn, những người thực hiện tin rằng ở thế giới bên kia, những đứa trẻ mà họ chọn lựa để dâng hiến sẽ trải qua cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một số hài cốt trẻ em tìm thấy ở Templo Mayor. Ảnh: INAH
Liên quan đến vấn đề này, tờ The Guardian ngày 29/8/2019 phân tích, những cuộc hiến tế trước là động vật, sau là trẻ em lên các vị thần ngoài các mục đích trên còn nhằm củng cố quyền lực của tầng lớp thống trị ở những khu vực xa xôi trong thời cổ đại. Vào thời điểm trên, các nhà khảo cổ đào được 227 bộ xương của các trẻ vị thành niên từ 4-14 tuổi ở sa mạc ven biển miền Bắc Peru - khu hiến tế trẻ em lớn nhất thế giới, theo kiểu hiến sinh trong văn hóa Chimú nhằm giúp giảm bớt tình trạng bão lũ do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra. Được biết khu vực ven biển Peru thường xuyên chịu tác động của tình trạng thời tiết cực đoan này.
Trưởng nhóm khảo cổ Feren Castillo nhấn mạnh, càng xót xa hơn, khi trẻ em bị hiến tế trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, chết cóng giữa tiết trời lạnh giá...
NGUYỄN XUÂN (Theo Live Science, National Geographic)
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/quoc-te/ky-2-nhung-cuoc-hien-te-kinh-hoang_170194.html