Kỳ 2: Trả giá đắt vì đăng thông tin thiếu căn cứ

Kỳ 2: Trả giá đắt vì đăng thông tin thiếu căn cứ
3 giờ trướcBài gốc
Đấu tranh với tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng
Công an thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hồng Vân. Ảnh: CQCA
Phát tán tin giả, đi tù thật
Từ năm 2019 đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành triệt phá, xử lý hơn 2.000 vụ đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật gây hoang mang dư luận, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tin giả đã và đang tác động rất nhiều đến kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tin giả trên MXH nhưng tác động là thật khiến cho mọi người hoang mang và ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Thời gian qua có nhiều vụ việc vu khống người khác trên mạng đã bị xử lý, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hầu hết các đối tượng này khi đối diện với vành móng ngựa và những bức tường giam mới giật mình tỉnh ngộ và nhận ra sự thật phũ phàng rằng “phát tán tin giả, đi tù thật”.
Ngày 26/9, CATP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hồng Vân (SN 1962, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 15/9 đến 20/9, bà Vân đã sử dụng MXH facebook đăng tải nhiều bài viết có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, vu khống nhằm hạ uy tín của các một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Các bài viết đăng công khai gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trước đó, ngày 21/2, TAND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng mở phiên tòa xét xử vụ án đối với các bị cáo: Hoàng Mùi Pu, Phùng Mùi Khe và Phùng Mùi Dết đều trú tại xóm Pác Nặm, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng bị cáo buộc phạm tội “Làm nhục người khác”.
Theo cáo trạng, do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, Hoàng Mùi Pu, Phùng Mùi Khe và Phùng Mùi Dết đến xóm Thôm Phiêng, thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình tìm gặp Đặng Mùi Chẩy đánh ghen (do Pu nghĩ Chẩy có quan hệ tình cảm với chồng của Pu là Hoàng Chàn Pu). Trong quá trình đánh ghen giữa Pu và Dết thì Khe đã dùng điện thoại quay video lại, sau đó cả ba cùng thống nhất đăng đoạn video vừa quay lên facebook với mục đích thông báo cho mọi người biết Chẩy có quan hệ bất chính với Hoàng Chàn Pu, bôi nhọ danh dự Chẩy, để Chẩy phải xấu hổ. Với hành vi trên, Pu, Khe và Dết bị khởi tố, truy tố về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử căn cứ vào đề nghị của Viện KSND huyện Nguyên Bình, tuyên phạt bị cáo Hoàng Mùi Pu 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng; Phùng Mùi Khe 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng và Phùng Mùi Dết 12 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 24 tháng về tội “Làm nhục người khác.
Tòa án Nhân dân huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng mở phiên tòa xét xử vụ án đối với các bị cáo phạm tội “Làm nhục người khác”. Ảnh: CQCA
Chế tài đã đủ nghiêm?
Chuyên gia Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang nhận định, tình trạng tin giả đang xuất hiện tràn lan trên MXH. Không chỉ cắt ghép tinh vi mà các đối tượng còn sử dụng những hình ảnh, video của nước ngoài rồi tung tin giả. Thậm chí, một số đối tượng còn dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để tạo tin giả.
Chuyên gia Lê Anh Tú nhấn mạnh, những trang web không đáng tin cậy thường có dấu hiệu như sau: giao diện thiết kế không chuyên nghiệp, sai chính tả và ngữ pháp, địa chỉ web sử dụng những tên miền không phổ biến như ".biz", "ninfo"…
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc cung cấp, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả..., người liên quan sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải những thông tin sai sự thật gây hoang mang thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...) hoặc xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Cụ thể, tại khoản 1, khoản 3 Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) của Chính phủ quy định các đối tượng lợi dụng MXH để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 lần tổ chức vi phạm. Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến cao nhất là 7 năm tù giam.
(Còn nữa)
Thái An
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-tra-gia-dat-vi-dang-thong-tin-thieu-can-cu-398923.html