Kỳ 2: Vì sao Bắc Kạn vẫn cần tiếp tục sáp nhập thôn, tổ dân phố

Kỳ 2: Vì sao Bắc Kạn vẫn cần tiếp tục sáp nhập thôn, tổ dân phố
3 giờ trướcBài gốc
Chuyện những thôn “tí hon”
Đoàn công tác của Sở Nội vụ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nghe ý kiến của người dân thôn Khuổi Phầy, xã Văn Vũ về việc sáp nhập thôn.
Khuổi Phầy là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Văn Vũ (Na Rì) với 100% hộ nghèo. Dù thôn chỉ có 09 hộ với 38 khẩu (04 hộ đồng bào Mông, 05 hộ đồng bào Dao) nhưng mỗi nhà ở một quả đồi nên để đi bộ hết thôn cũng mất hơn 1 giờ. Dân số ít, ở thưa thớt, cách xa trung tâm xã khoảng 7km, địa hình chia cắt nên việc đầu tư hạ tầng lên Khuổi Phầy hạn chế vì tốn nhiều kinh phí. Đường giao thông hiện chỉ mới làm đến nhóm 05 hộ đầu thôn, điện lưới quốc gia cũng chỉ 06 hộ có. Khuổi Phầy có nhà họp thôn tạm nhưng gần như chẳng bao giờ mở cửa vì các hộ ở cách xa nhau, mỗi khi có việc cần, Trưởng thôn ở đâu thì họp thôn ở đấy.
Cũng do số hộ dân quá ít, hiểu biết của đa số bà con còn hạn chế nên việc tìm được người làm việc cho thôn đã khó nói chi đến người có năng lực, trình độ cao. Vì thế, đến nay Khuổi Phầy vẫn khuyết chức danh bí thư chi bộ, do cả thôn mới có 01 đảng viên sinh hoạt ghép. Bộ khung của cán bộ thôn và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở cơ sở cũng chỉ có trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, chi hội trưởng nông dân, các chức danh còn lại đều khuyết.
Đoàn công tác của Sở Nội vụ trao đổi nắm bắt thuận lợi, khó khăn khi triển khai sáp nhập thôn tại xã Văn Vũ (Na Rì).
Anh Triệu Văn Khé, Trưởng thôn Khuổi Phầy trăn trở: “Thôn có hai dân tộc khác nhau nhưng bà con rất đoàn kết. Chỉ khó cái là địa hình, giao thông trở ngại, dân cư ít nên muốn phát triển kinh tế không dễ dàng. Vì khuyết một số chức danh nên một số chế độ, chính sách, dự án triển khai đến người dân chưa kịp thời và hiệu quả không cao”.
Từ lâu, Khuổi Slương được biết đến như “ốc đảo” cô lập với bên ngoài. Không đường giao thông, không điện lưới quốc gia, cách trung tâm xã Cốc Đán (Ngân Sơn) khoảng 10km. Dù có thêm hộ mới tách ra nhưng Khuổi Slương cũng vẻn vẹn 11 hộ với hơn 50 nhân khẩu. Để bảo đảm hoạt động bình thường, thôn vẫn có các chức danh như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, an ninh viên, nông dân, phụ nữ. Theo phương án dự kiến của UBND xã Cốc Đán xây dựng, Khuổi Slương sẽ được sáp nhập với thôn Khuổi Ngoài. Xét về vị trí địa lý thì hai thôn này gần nhau nhất, tuy nhiên thực tế Khuổi Slương và Khuổi Ngoài cách nhau 7km, qua lại bằng đường mòn. Nếu thực hiện sáp nhập thì việc làm đường giao thông kết nối là điều cần tính đến.
Bà Đồng Thị Thùy, Chủ tịch UBND xã Cốc Đán cho biết: “Cốc Đán có 21 thôn, trong đó có những thôn ít hộ dân sinh sống, đặc biệt là tại thôn Khuổi Slương và Phiêng Soỏng chỉ có trên dưới 10 hộ. Dù đội ngũ cán bộ không chuyên trách và người trực tiếp hoạt động ở các thôn rất nhiệt tình với công việc nhưng rõ ràng với dân số ít, ở phân tán sẽ là trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh có 05 thôn tại huyện Na Rì và Ngân Sơn hiện chỉ có từ 10 hộ trở xuống. Đây là những thôn thuộc diện rất nhỏ xét về quy mô dân số. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng còn rất nhiều thôn có quy mô dân số dưới 30 hộ.
Nhiều thôn chưa đạt chuẩn cần sáp nhập
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 947 thôn, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn cần sáp nhập.
Theo báo cáo của các huyện, thành phố và đối chiếu với các quy định hiện hành, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 1.292 thôn, tổ, tiểu khu, trong đó: Số thôn, tổ, tiểu khu đạt từ 50% tiêu chuẩn trở lên (thôn có từ 75 hộ trở lên; tổ, tiểu khu có từ 100 hộ trở lên, theo quy định không phải thực hiện sáp nhập) là 345, trong đó, thôn: 264; tổ, tiểu khu: 81. Số thôn, tổ, tiểu khu đạt dưới 50% tiêu chuẩn (thôn có dưới 75 hộ; tổ, tiểu khu có dưới 100 hộ, theo quy định phải thực hiện sáp nhập) là 947, trong đó, thôn: 840; tổ, tiểu khu: 107, (có 89 tổ, tiểu khu có dưới 100 hộ; 18 tổ, tiểu khu có dưới 50 hộ; 332 thôn có dưới 75 hộ; 508 thôn có dưới 50 hộ).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục rà soát các thôn, tổ chưa đạt chuẩn, xây dựng phương án, đề án sáp nhập báo cáo UBND tỉnh theo quy định; tham mưu ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Nội vụ sẽ hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và tổng hợp, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết trong năm 2024.
Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố giúp người dân giảm đóng góp khi xây dựng các công trình công cộng.
Ông Vũ Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.292 thôn, tổ dân phố, tiểu khu với khoảng 16.000 người hoạt động trực tiếp ở cơ sở. Kinh phí chi trả phụ cấp, hỗ trợ hằng tháng cho người làm việc tại thôn, tổ dân phố khoảng 180 tỷ đồng/năm (bình quân chi trả 1 thôn, tổ 140 triệu đồng/năm). Nếu 947 thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập thì sẽ giảm hàng trăm thôn, tổ dân phố, đồng nghĩa với ngân sách nhà nước tiết giảm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm dành để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố để đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở. Đồng thời, tạo thuận lợi để các thôn, tổ dân phố củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Lợi ích của việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là điều có thể nhìn thấy, tuy nhiên những khó khăn, thách thức đặt ra cũng không ít, cần quyết tâm cao của hệ thống chính trị và đồng thuận của người dân để chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng sớm được thực thi./.
(Còn nữa)
Xuân Nghiệp
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/ky-2-vi-sao-bac-kan-van-can-tiep-tuc-sap-nhap-thon-to-dan-pho-post66250.html