Kỳ 3: Có nên tích trữ, đầu tư vàng hay không?

Kỳ 3: Có nên tích trữ, đầu tư vàng hay không?
3 ngày trướcBài gốc
Cơn sốt vàng: kẻ khóc - người cười
Mua bán tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giá vàng ít khi cố định
Theo các chuyên gia, vàng từ lâu đã được người Việt xem là kênh giữ tài sản an toàn. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, các chính sách thuế và điều hành từ các nước lớn có thể đẩy giá vàng quốc tế tăng cao. Thói quen tích trữ vàng trong dân càng khiến giá vàng trong nước bị đẩy lên mạnh hơn.
Cũng theo các chuyên gia, ngoài yếu tố quốc tế, thị trường nội địa cũng góp phần đáng kể vào sự biến động giá vàng. Trong những tháng đầu năm 2025, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25/2 đến ngày 18/3, đã có 23 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 - 1%/năm tùy theo kỳ hạn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân tìm đến vàng như kênh đầu tư thay thế.
Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trong nước đang bị hạn chế do chính sách quản lý chặt chẽ về nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như sự kiểm soát của Nhà nước đối với vàng miếng SJC. Sự mất cân đối cung - cầu này góp phần đẩy giá vàng nội địa cao hơn giá vàng thế giới, có lúc chênh lệch lên tới hơn 5 triệu đồng/lượng.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, giá vàng trong nước đang có xu hướng thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, cũng như giữa các thương hiệu vàng và các loại hình vàng (vàng SJC, vàng miếng, vàng nhẫn...). Đây được coi là tín hiệu tích cực trong quản lý và nhận thức của thị trường.
Mặc dù vàng không phải là tiền tệ nhưng vẫn được xem là thước đo giá trị quan trọng. TS Nguyễn Minh Phong cảnh báo, giá vàng tăng cao có thể gây áp lực lên tỷ giá, giảm đầu tư xã hội và làm tăng giá các mặt hàng lớn có liên quan như bất động sản... Điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của đồng tiền, kinh tế vĩ mô và gia tăng tình trạng buôn lậu vàng.
Việc tích lũy vàng đối diện với nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia, vàng không nằm trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhưng khi giá vàng tăng mạnh, nó vẫn tác động lớn đến nền kinh tế. Giá vàng nội địa tăng cao có thể kích thích hoạt động đầu cơ, nhập lậu vàng, kéo theo sự biến động tỷ giá.
Hệ lụy dễ thấy nữa là mỗi khi giá vàng tăng, tâm lý lo ngại tiền đồng mất giá khiến người dân đổ xô mua vàng thay vì gửi tiết kiệm hoặc chi tiêu, đầu tư vào hàng hóa, dịch vụ. Điều này có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế, thậm chí đẩy giá cả hàng hóa leo thang. Đặc biệt, giá vàng tăng còn kéo theo giá bất động sản tăng theo, khiến thị trường vốn đã trầm lắng càng thêm trì trệ.
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về lượng vàng tích trữ trong dân, nhưng theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, con số này có thể lên tới 500 tấn. Nếu huy động được 50% lượng vàng này, ít nhất nền kinh tế sẽ có thêm hơn 10 tỷ USD.
Nếu lượng vàng này được đưa vào hệ thống ngân hàng, nó có thể trở thành một phần dự trữ quốc gia, giúp ổn định giá trị tiền đồng. Chính phủ cũng có thể sử dụng vàng như một đảm bảo để vay thế chấp khi vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, việc người dân tích trữ vàng, không giao dịch được coi là sự lãng phí.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù tích trữ vàng là thói quen khó bỏ của người Việt bởi vàng vẫn được xem là một tài sản an toàn, nhưng lợi ích mang lại chưa chắc đã tương xứng với rủi ro. Nếu cất giữ tại nhà, người dân có nguy cơ bị mất cắp nếu không bảo quản cẩn thận hoặc chịu thiệt hại do biến động giá cả. Thay vì tích trữ, người dân có thể cân nhắc các kênh đầu tư hiệu quả hơn như gửi tiết kiệm, đầu tư tài chính hoặc bất động sản.
Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc mua vàng để tích trữ dài hạn có thể hợp lý, nhưng đầu tư lướt sóng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại, giá vàng trong nước không hoàn toàn do thị trường quyết định mà chịu sự chi phối của Nhà nước. Vì vậy, những ai đầu tư vàng theo xu hướng ngắn hạn có thể gặp rủi ro lớn, không chỉ từ biến động giá quốc tế mà còn từ nguồn cung trong nước bị hạn chế. "Chỉ những người có vốn lớn, đủ bản lĩnh và thông tin đầy đủ mới có thể coi vàng là một cơ hội đầu tư. Còn nếu chỉ chạy theo tâm lý đám đông thì không nên mạo hiểm" - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo hai rủi ro lớn khi tích lũy vàng: một là rủi ro về giá cả – giá vàng biến động mạnh, có thể tăng cao nhưng cũng có thể giảm sâu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Hai là rủi ro giao dịch – khi nhu cầu tăng cao, các điểm bán hạn chế có thể dẫn đến tình trạng lừa đảo, chẳng hạn như mua phải vàng giả hoặc giao dịch không minh bạch trên mạng.
(Còn nữa)
Giá vàng hiếm khi cố định. Nó phản ánh nhiều yếu tố kinh tế, chính trị cả trong nước lẫn quốc tế. Lần này, giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại nhưng cũng có thể giảm nhanh chóng. Ông cho rằng giá vàng tăng do nhiều nguyên nhân như căng thẳng Mỹ - Trung, xung đột Nga - Ukraine, dòng vốn vàng đổ về Mỹ, cũng như việc các ngân hàng mua vào số lượng lớn. Trong nước, các yếu tố như cơ hội đầu tư hạn chế, lãi suất ngân hàng thấp và áp lực lạm phát cũng góp phần làm giá vàng tăng.
TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế
Duy Linh
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-co-nen-tich-tru-dau-tu-vang-hay-khong-413791.html