Trách nhiệm với cử tri
Với mong muốn ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân khi đến với mỗi đại biểu dân cử sẽ được tiếp thu đầy đủ, trách nhiệm và chuyển tải kịp thời đến cơ quan có chức năng xử lý, trả lời, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc quyết liệt việc giải quyết, HĐND các cấp tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, đổi mới hơn nữa dể nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hện nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Đoàn khảo sát HĐND huyện kiểm tra thực tế tại một số khu vực liên quan tới kiến nghị, đề nghị của cử tri xã Cao Xá.
Năng lực làm nên thực quyền
Những năm qua, HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới trên các mặt công tác, trong đó đặc biệt quan tâm tới chức năng quyết định và giám sát. Hằng năm, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động rà soát các chương trình, đề án dự kiến trình ra kỳ họp để thống nhất với UBND tỉnh về nội dung kỳ họp. Thường trực HĐND giao các ban của HĐND chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan để khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến các chuyên gia để đánh giá tác động của chính sách khi ban hành có gì ảnh hưởng tới người dân và khả năng cân đối nguồn lực địa phương. Như vậy mới có thông tin trong khi thẩm tra các tờ trình, đề án làm cơ sở cho đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp.
Căn cứ vào chương trình giám sát đã được HĐND tỉnh thông qua, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tập trung vào việc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, công tác cải cách hành chính, công tác bảo vệ, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Kết quả năm 2023 và 6 tháng năm 2024, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu đã thực hiện 42 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó: Thường trực HĐND tỉnh giám sát 2 cuộc, các Ban của HĐND tỉnh giám sát 17 cuộc, các Tổ đại biểu giám sát 20 cuộc, tham gia 3 đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh...
Cũng trong thời gian qua, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các sở ngành, đơn vị, địa phương để nắm bắt thông tin, đánh giá hiệu quả của việc ban hành và thực hiện các nghị quyết, chương trình, chính sách, đề án lớn của tỉnh.
Nhìn chung, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Quá trình giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng các vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm, không có sự trùng lặp, chồng chéo nội dung, thời gian, đơn vị chịu sự giám sát.
Hoạt động giám sát đã bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả, phản ánh chính xác những mặt tích cực, kết quả đạt được và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để có kết luận và kiến nghị, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp cũng như có giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế.
Qua hoạt động giám sát, đề cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp; tăng cường hoạt động khảo sát, tham vấn; tăng cường sự phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh với Thường trực HĐND và các Ban của HĐND cấp huyện trong hoạt động giám sát chuyên đề.
Sau các cuộc giám sát, đoàn giám sát tổng hợp nội dung và ban hành thông báo kết quả giám sát; trong đó đánh giá rõ kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của các đơn vị được giám sát; đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho cơ quan liên quan dễ tiếp thu, thực hiện.
Đồng chí Dương Hoàng Hương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Qua các cuộc giám sát, HĐND tỉnh đã có gần 400 kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện thành, thị và các cơ quan liên quan giải quyết. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau giám sát và đề nghị UBND tỉnh có báo cáo việc triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát trình tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn, người lao động
Lời hứa và trách nhiệm
Liên hệ chặt chẽ với cử tri cũng đồng thời là một trong những trách nhiệm của đại biểu HĐND. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định về một số hình thức giữ mối liên hệ đó. Đó là sự kết nối hai chiều: “lắng nghe cử tri nói” và “nói cử tri nghe”. Liên hệ chặt chẽ với cử tri giúp người đại biểu có dữ liệu từ cuộc sống để hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt vai trò đại diện theo Hiến định. Chiều ngược lại, liên hệ chặt chẽ với cử tri cũng để qua đại biểu, cử tri nắm bắt rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và những quyết sách, hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Do vậy, trên cơ sở quy định của pháp luật, để “tròn vai” trách nhiệm giữ mối liên hệ với cử tri, Nhân dân của người đại biểu, rất cần sự chỉ đạo, định hướng cụ thể của Thường trực HĐND. Và điều kiện, yếu tố không thể thiếu từ phía chủ thể thực hiện trách nhiệm này chính là kiến thức, kỹ năng và tâm huyết của người đại biểu Nhân dân.
Để thắt chặt hơn mối liên hệ mật thiết giữa đại biểu với cử tri, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian qua cũng được tăng cường với nhiều đổi mới thiết thực. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 22 điểm tiếp xúc, mỗi điểm có ít nhất 2 đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với cử tri tại nơi đại biểu ứng cử. Tổng số cử tri tham dự tại các điểm tiếp xúc trong toàn tỉnh là gần 3.000 người với 185 ý kiến kiến nghị. Trong đó, có 67 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào đóng góp các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối 2024, tham gia vào nội dung các chuyên đề trình tại kỳ họp thứ Tám, phản ánh các vấn đề còn tồn tại gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Các kiến nghị sau khi được UBND cấp tỉnh trả lời, giải trình đầy đủ, rõ ràng, công khai tại các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, từ đó cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh, huyện đều duy trì hoạt động trao đổi kinh nghiệm của HĐND để đưa ra những giải pháp sát đáng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu.
Đơn cử như ở huyện Lâm Thao, tháng 10 vừa qua Thường trực HĐND huyện đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND cấp xã, thị trấn với chủ đề “Đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, công tác thẩm tra và hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND cấp xã, thị trấn”.
Trong đó, tập trung làm rõ vai trò của thường trực HĐND trong công tác phối hợp hoạt động giám sát của hai Ban Kinh tế - xã hội và Ban Pháp chế tại xã, thị trấn; hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND; công tác thẩm tra các báo cáo của UBND trình tại kỳ họp HĐND.
Đồng chí Nguyễn Thị Dưỡng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện cho rằng: “Việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND cấp xã, thị trấn là dịp để trao đổi kinh nghiệm hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, nêu cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, công tác giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri, chất vấn tại kỳ họp HĐND và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND. Giải quyết ý kiến, vướng mắc của cử tri nhằm tháo gỡ những khó khăn cùng với cử tri tạo điều kiện để nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương”.
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh, đồng thời giám sát việc tuân thủ pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh tại địa phương. Phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết đã được ban hành; sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh, hoạt động giám sát; chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, nhận và giải quyết đơn thư, ý kiến, kiến nghị của tổ chức và công dân. Thực hiện tốt công tác khảo sát thực tế, làm việc với các cơ quan, đơn vị để lắng nghe ý kiến Nhân dân để phục vụ các cuộc giám sát. Cải tiến, đổi mới phương pháp, nội dung giám sát, khảo sát, kiểm tra theo hướng cụ thể, chuyên sâu. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát thực hiện kết luận phiên chất vấn giải trình, kiến nghị sau giám sát, các nghị quyết đã ban hành và ý kiến kiến nghị của cử tri.
Nhóm PV Phòng Chuyên đề