"Sức khỏe" của rừng - rưng rưng nước mắt!
Là những khu rừng ven biển mà cây cối chết dần do nước mặn từ biển dâng cao làm ô nhiễm nguồn nước ngầm mà những cánh rừng này cần, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, để lại những cọc gỗ trong đầm lầy, "rừng ma" cũng bao gồm cả những cánh rừng bách hói (Taxodium Distichum) dọc theo bờ biển phía Bắc bang Carolina, Mỹ đã chuyển sang màu nâu từ đầu năm 2024 đến nay. Điều đáng nói là theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), trước khi cây ngã xuống và phân hủy, chúng trông giống những thây ma chết khô nằm la liệt trông ám ảnh vô cùng. Đặc biệt, rừng càng gần với mực nước biển thì nguy cơ xuất hiện "rừng ma" càng cao. Ảnh chụp từ vệ tinh năm 2024 do NASA thực hiện cũng cho thấy "rừng ma" ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều loài thực vật. Dù trước đó, các chuyên gia khí hậu dự đoán nước biển dâng là mối đe dọa lâu dài, nhưng thực tế cho thấy sự thay đổi đáng kể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Thống kê từ năm 2021 cho thấy, 11% diện tích đất rừng ở Khu bảo tồn sinh vật hoang dã ven biển lớn nhất Bắc Carolina đã biến thành "rừng ma" trong giai đoạn 1985 - 2019, đạt đỉnh vào năm 2011 - 2012, sau bão Irene. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là vì nước biển dâng tại nhiều nơi trên thế giới (riêng ở Bắc Carolina dâng nhanh gấp 3 lần) do nhiệt độ toàn cầu tăng và băng tan ở hai cực kết hợp với sụt lún đất. Ngoài ra, việc sử dụng kênh mương thoát nước cũng tác động đến sự phát triển của "rừng ma".
Do các cánh rừng ven biển đóng vai trò bảo vệ khu vực nội địa khỏi nước dâng do bão và xói mòn, trong khi rừng ven biển độc đáo ở chỗ có thể lưu trữ carbon cả trong tán lá, chính vì thế để mất rừng ven biển sẽ khiến dân cư và các loài sinh vật học trong khu vực phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn, đồng thời một số loài cây lâu đời cũng chịu chung số phận. Các nhà sinh thái học cho rằng, đất nông nghiệp hoặc các công trình khác vây quanh cũng góp phần "dồn ép" khiến cây rừng bí bách mà chết. Tất cả đều do tác động của BĐKH, làm thất thoát đáng kể lượng carbon lưu trữ trong cây cối và thảm thực vật trên mặt đất.
Chỉ trong vòng 13 năm (từ 2001 - 2014), các nhà khoa học sau khi theo dõi sự mở rộng của "rừng ma" trong khu vực rộng hàng ngàn ki-lô-mét vuông trên bán đảo Albemarle - Pamlico đã phát hiện những cánh rừng chết này lan rộng hơn 15%, với khoảng 130.000 tấn carbon dự trữ được giải phóng, tương đương lượng phát thải của hơn 100.000 phương tiện giao thông chở khách trong vòng 1 năm.
Một cánh "rừng ma"ở Carolina Ảnh: NOAA
Nỗi lo thường trực
Nếu đến thập niên đầu của thế kỷ này, "rừng ma" chỉ là lời thì thầm trên các giảng đường lẫn hội nghị, thì do tác động của con người và BĐKH đã làm tổn thương những cây lâu năm khiến độ tuổi và chiều cao trung bình của các khu rừng giảm dần theo thời gian, diện mạo rừng trên khắp hành tinh cũng dần thay đổi một cách đáng kể và "rừng ma" đã trở thành nỗi lo thường trực do liên quan đến môi trường sống! Khảo sát về "sức khỏe" rừng, các chuyên gia "rưng rưng nước mắt" nhận thấy những cánh rừng nhiệt đới nguyên sơ chính là nơi lưu trữ đa dạng sinh học cao hơn nhiều so với "rừng trẻ” nên cũng hấp thụ nhiều carbon hơn.
Giữa Bờ Đông nước Mỹ, chỉ cần đi sâu vào đất liền khoảng 50km nơi vành đai chuỗi đảo cùng những con đường xuyên biển, phần ở North Carolina sẽ chứng kiến những khu rừng đang chết dọc duyên hải. Càng đáng lo hơn khi trước kia nước ngập trong những khu rừng này sẽ rút đi nhanh chóng, thì những năm gần đây, hiện tượng này không xảy ra nữa, đây cũng là bằng chứng cho thấy BĐKH đang đe dọa nghiêm trọng đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và cả cư dân địa phương.
Nằm trong số những "rừng ma" lớn giữa Đại Tây Dương, trên Bờ Đông Maryland, hàng trăm mẫu Anh cây rừng chết đứng, xám xịt, xuyên thẳng lên trời. Những khu rừng tại đây nhanh chóng chuyển thành đầm lầy khi mực nước biển dâng cao. Thống kê cho thấy "rừng ma là chỉ báo nổi bật nhất về BĐKH ở Bờ Đông" với khoảng 40.000 mẫu Anh rừng và đất nông nghiệp đã chuyển đổi trong vòng 30 năm qua.
Tiếng kêu cứu từ những cánh rừng ngày càng khẩn thiết, rất cần sự chung tay của toàn thế giới vì sự sống, tương lai, hạnh phúc của cả hành tinh.
NGUYỄN XUÂN (theo Toutiao, AP)