Kỳ 3: Trung thực - sáng mãi với thời gian

Kỳ 3: Trung thực - sáng mãi với thời gian
một ngày trướcBài gốc
Một trong những phẩm chất của người Việt Nam ở người Đồng Tháp dễ nhận thấy nhất là trung thực. Từ dáng vẻ, lời nói và hành động, người Đồng Tháp “lộ” ra nét chân phương. Đức tính cao quý này là hạt nhân tạo nên sự bền chặt trong các mối quan hệ giữa người với người. Không chỉ được ngợi khen là nét đẹp của con người, trung thực là nhóm yếu tố hàng đầu nhất thiết phải có trong tất cả các giao dịch. Chữ “tín” luôn được trân quý và trở thành tài sản vô hình của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giao tiếp trong thời đại hiện nay.
Phát nước suối miễn phí cho người dân trên đường về quê ăn Tết (Ảnh tư liệu: N.K)
>> Kỳ 1: Yêu nước - nguồn lực của thịnh vượng
>> Kỳ 2: Đoàn kết - tự nhiên và trong sáng
Trung thực được hiểu là sự ngay thẳng, thật thà, luôn nói lên sự thật. Người sống trung thực là người tôn trọng lẽ phải, nói đúng sự thật và dũng cảm nhận lỗi do mình gây ra. Trái với trung thực là dối trá, lươn lẹo. Thật ra, nhận thức và hành xử trung thực không phải là việc đơn giản. Trung thực là tuân theo chân lý mà chân lý là những quy luật, điều luôn luôn đúng. Không một ai có kiến thức cơ bản lại nói khác về Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời. Trung thực là tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, nhưng việc nhận thức về nó lại có sự không chắc chắn. Mặc dù là lẽ phải dựa trên những luật lệ, quy tắc, quy định, nhưng sự đúng - sai thì phụ thuộc vào quan niệm của cá nhân hay cộng đồng. Đối với cùng một việc, cộng đồng này ca ngợi, nhóm kia lên án. Trung thực không có nghĩa là nói hết những tâm tư, tình cảm, sự thầm kín và bí mật riêng - chung, cũng như không thể nêu “tất tần tật” về lỗi lầm của đối phương. Ngoài ra, không thể nhân danh trung thực để lên án, bêu xấu việc người khác dù điều ấy hoàn toàn đúng với những gì xảy ra. Xem ra, bản thân trung thực là vấn đề lớn của con người.
Phần lớn người Đồng Tháp xuất thân từ nông dân, sống trong làng quê với cánh đồng và sông nước mênh mông nên được “đúc” thành sự chân chất của “Hai lúa”. Với môi trường tự nhiên thân thiện và cộng đồng gần gũi, họ giao tiếp “thẳng như ruột ngựa” với bất cứ ai và không giữ kẽ ngay đối với “người xa, kẻ lạ”. Dù có vài hành vi chưa đúng mực, sự “thật thà như đếm” ấy được mọi người yêu quý. Nhưng theo thời gian và nhiều yếu tố của hoàn cảnh xã hội dần thay đổi, sự trung thực của người Đồng Tháp mất đi tính “nguyên sơ” của nó.
Trước hết, kinh nghiệm chung của các thế hệ người Việt, con người nhận ra tính phức tạp của các mối quan hệ giữa người với người trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Hàng loạt triết lý để điều chỉnh hành vi được khái quát như: “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ”, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... và trong những thời đoạn nhất định “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt”. Do vậy, trong vài lĩnh vực mà nhất là liên quan đến quyền lực - quyền lợi, sự nịnh hót, tâng bốc, nói theo... bắt đầu xuất hiện và nảy nở. Mặt khác, con người vốn dĩ có tình cảm yêu ghét. Nó chi phối, làm sai lệch lý trí - “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.
Từ nhận thức và cảm tính ấy, con người có những hành vi gian dối. Bên cạnh đó, cùng với những tiến bộ vượt bậc về mọi mặt, những bước chuyển mình to lớn về kinh tế - xã hội đã gây không ít đảo lộn về mặt văn hóa và đạo đức nói chung, tác động trực tiếp đến tính trung thực của người Đồng Tháp nói riêng. Đây đó, không ít người chạy theo đồng tiền và danh vọng. Họ suy tôn sự giàu có, xem tiền “như tiên, như phật”, “Lương tâm không bằng lương tháng”; một số hoạt động sản xuất - kinh doanh kiểu “Treo đầu dê, bán thịt chó”, bán hàng giả, chất lượng kém, thách giá; nơi công sở sử dụng danh hiệu giả (bằng giả), khai man, chạy theo thành tích, phù phiếm, hình thức; trường học “đua” theo điểm số cao ngất ngưỡng; quan hệ gia đình và láng giềng dối trá, lừa lọc; gần đây, khai thác tin giả, bịa tin, lan truyền tin sai trái gây nhiễu loạn nhận thức khá nhiều người... Những hiện tượng ấy ít nhiều vấy bẩn sự “nên thơ” về tính trung thực của người Đồng Tháp.
Nhận thức rõ về nguồn gốc xã hội và tâm lý của con người về tính trung thực, chúng ta sẽ có thái độ khách quan và sự tận tâm hơn trong việc vun đắp đức tính cao quý này ở người Đồng Tháp mà nhất là đối với thế hệ tương lai. Gia đình có vị trí và vai trò hàng đầu trong việc truyền thụ, tôi luyện và giám sát về tính trung thực của trẻ. Ở đây, người lớn cần có nhiều biện pháp, hình thức để vừa phòng tránh vừa khuyến khích trẻ hình thành và phát triển tính trung thực, nhất là thường xuyên nhắc nhở không nói dối. Giáo viên nên nghiêm khắc về các hành vi nói dối, gian dối. Đơn vị và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh - dịch vụ tôn trọng chữ “tín”, mua bán đúng giá, loại bỏ hẳn việc thách giá - “Cò kè bớt một thêm hai”. Những người đại diện cho cơ quan công quyền phải gương mẫu tuân thủ pháp luật và thi hành luật pháp nghiêm minh. Tất cả các thành viên trong xã hội có trách nhiệm tạo ra môi trường xã hội trung thực mà ở đó con người luôn tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải; thật thà, ngay thẳng trong lời nói và hành động; nói đi đôi với làm.
Điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội đã và đang tạo nên, bồi đắp tính cách cao quý của người Việt Nam ở Đồng Tháp - Trung thực. Nét đẹp này góp phần xây dựng sự bền chặt đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Ở những giai đoạn xã hội bị đảo lộn về mặt giá trị, con người tìm đến sự trung thực như điểm tựa cuộc sống. Trong tương lai, trung thực luôn là sự khởi đầu cho mọi hoạt động của con người. Do đó, mọi người cần có ý thức xây dựng lối sống trung thực và với một xã hội “đàng hoàng” như thế, sự “thuần khiết như hồn sen” chính là mảnh “đất lành”.
DÂN BIỆN
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/chinh-tri/ky-3-trung-thuc-sang-mai-voi-thoi-gian-128857.aspx