Dấu ấn kiến trúc Sài Gòn xưa trong dòng chảy hiện đại
Ngay sau năm 1975, TPHCM đứng trước bài toán lớn về quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, các biệt thự cổ, nhà phố theo phong cách Đông Dương ở trung tâm quận 1, quận 3 được xem là di sản kiến trúc cần gìn giữ. Các công trình như Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, khách sạn Continental... không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà còn đại diện cho phong cách kiến trúc giao thoa Đông - Tây đặc trưng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng từ cuối thập niên 1980, đặc biệt là sau Đổi mới năm 1986, đã tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ trong kiến trúc thành phố. Các khu chung cư cao tầng lần lượt mọc lên ở Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), Ngô Gia Tự (quận 10), Thanh Đa (Bình Thạnh) - những hình ảnh đầu tiên của kiến trúc nhà ở xã hội kiểu mới, phục vụ nhu cầu tái định cư và giãn dân nội đô. Những khu phố thương mại như Lê Lợi, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng dần định hình phong cách kiến trúc thương mại hiện đại, pha lẫn giữa yếu tố bản địa và sự du nhập từ các nền văn hóa khác nhau.
Giai đoạn 1995 - 2010 đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của kiến trúc hiện đại tại TP. Những cao ốc văn phòng như Saigon Trade Center, Sun Wah Tower, Bitexco Financial Tower lần lượt xuất hiện, mang dáng dấp của một đô thị đang vươn tầm khu vực. Đặc biệt, tòa tháp Bitexco - biểu tượng kiến trúc hiện đại của thành phố với thiết kế lấy cảm hứng từ búp sen, đã khéo léo kết hợp giữa yếu tố truyền thống Việt Nam và tư duy kiến trúc tiên phong.
Công trình kiến trúc Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM (tác giả: KTS. Nguyễn Trung Kiên). Công trình đề cao yếu tố xanh, thân thiện với môi trường, giải thưởng Kiến trúc TPHCM (giải Bạc)
Bên cạnh những tòa nhà chọc trời, kiến trúc văn hóa công cộng cũng để lại dấu ấn đậm nét. Nhà hát Thành phố sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được nét cổ kính, sang trọng của lối kiến trúc tân cổ điển Pháp. Nhà thi đấu Phú Thọ, Trung tâm Hội nghị White Palace hay Nhà Văn hóa Thanh Niên đều được thiết kế theo xu hướng hiện đại, tối ưu công năng nhưng vẫn chú trọng yếu tố thẩm mỹ và bản sắc địa phương.
Từ năm 2010 đến nay, văn hóa kiến trúc TPHCM tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ cùng làn sóng đô thị thông minh và xanh hóa không gian sống. Các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng, Sala... không chỉ là tổ hợp nhà ở cao cấp, mà còn được quy hoạch bài bản với mảng xanh, công viên, hồ điều hòa, tạo nên không gian sống hài hòa với thiên nhiên. Kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường dần trở thành tiêu chí mới trong các công trình đô thị.
Một điểm nhấn đặc biệt trong văn hóa kiến trúc thành phố chính là sự bảo tồn khéo léo những giá trị xưa cũ, đồng thời cởi mở đón nhận những xu hướng kiến trúc mới mẻ. Các quán cà phê nằm trong biệt thự cổ, những homestay, boutique hotel cải tạo từ nhà phố thời Pháp, hay các tổ hợp nghệ thuật được dựng trên nền nhà kho, xưởng may cũ... đều minh chứng cho khả năng thích nghi, tái sinh không gian của kiến trúc đô thị thành phố. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn này đã tạo nên một phong cách kiến trúc rất riêng của Thành phố Hồ Chí Minh - nơi quá khứ và hiện tại cùng song hành trong từng mảng tường, khung cửa.
Bên cạnh những công trình đồ sộ, kiến trúc nhà ở dân sinh cũng tạo nên mảng màu sắc phong phú trong bức tranh văn hóa đô thị. Những ngôi nhà ống hẹp, sâu, tận dụng tối đa diện tích mặt tiền ở các quận trung tâm phản ánh lối sống năng động, thực dụng của cư dân đô thị. Trong khi đó, những ngôi nhà vườn rộng rãi ở Thủ Đức, Củ Chi, Nhà Bè lại mang dáng dấp nhà Nam Bộ truyền thống, chan hòa với thiên nhiên.
Nhà hát Hòa Bình, Quận 10 - công trình là điểm nhấn cho thành phố trong giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới của thành phố. Là một trong những công trình trọng điểm đầu tiên nên Nhà hát Hòa Bình cũng là cái nôi của nhiều tên tuổi trong giới nghệ thuật Việt Nam
Văn hóa kiến trúc TPHCM sau 50 năm là bức tranh đa sắc, trong đó mỗi công trình là một dấu mốc lịch sử, một hơi thở thời đại và một câu chuyện văn hóa.
Đô thị hóa và sự vươn mình của kiến trúc hiện đại
Không chỉ các công trình công cộng, diện mạo kiến trúc nhà ở của thành phố suốt 50 năm qua cũng phản ánh sinh động nếp sống, văn hóa sinh hoạt của người dân. Từ những căn nhà phố hẹp ngang, dài sâu đặc trưng, những dãy nhà tập thể kiểu cũ, đến các khu đô thị mới hiện đại, tất cả tạo nên bức tranh kiến trúc đa dạng và không ngừng biến đổi.
Bước vào thế kỷ 21, TPHCM trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Diện mạo kiến trúc đô thị thay đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của hàng loạt công trình cao tầng, tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng hiện đại. Những công trình biểu tượng mới ra đời như tòa nhà Bitexco Financial Tower, Landmark 81, cầu Phú Mỹ... đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của kiến trúc hiện đại.
Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển đô thị sáng tạo, TPHCM đặc biệt chú trọng đến các không gian văn hóa công cộng gắn với kiến trúc cảnh quan. Đường sách Nguyễn Văn Bình, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện... không chỉ là không gian sinh hoạt cộng đồng, mà còn là những điểm nhấn kiến trúc văn hóa hiện đại, kết hợp hài hòa giữa công năng sử dụng và tính thẩm mỹ, văn hóa đô thị.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực môi trường gia tăng, xu hướng kiến trúc xanh, bền vững đang ngày càng được chú trọng. TPHCM đã và đang tiên phong phát triển nhiều công trình xanh, thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa tạo không gian sống chất lượng cho cư dân đô thị. Những tòa nhà xanh như Diamond Lotus Riverside, The Bridgeview hay các công trình sử dụng vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo dần trở thành xu hướng kiến trúc mới, đưa thành phố hội nhập cùng thế giới.
50 năm ghi dấu những công trình kiến trúc nổi bật của TPHCM
Đền Tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi; Nhà Hát Hòa Bình Quận 10; Trường THCS Nguyễn Văn Tố; Artex Saigon Building... được bình chọn vào top công trình kiến trúc tiêu biểu của TPHCM nửa thế kỷ qua.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TPHCM tổ chức chương trình bình chọn và công bố 50 tác phẩm Văn học nghệ thuật nổi bật. Trong những thành tựu tiêu biểu góp phần định hình sự phát triển của thành phố, có sự xuất hiện của những công trình kiến trúc mới, mang tính biểu tượng và hiện đại, không chỉ thay đổi diện mạo đô thị mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống và thể hiện bản sắc văn hóa của thành phố.
Với mảng kiến trúc, nhiều thành tựu được ghi nhận trong nửa thế kỷ qua. Trong đó, có Đền Tưởng Niệm Bến Dược, Củ Chi (tác giả: KTS. Khương Văn Mười). Công trình nằm trong không gian của địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược được thiết kế với mái cong cùng những họa tiết, hoa văn được cách điệu từ những ngôi đình, đền của làng Việt truyền thống, với mái ngói âm dương mang âm hưởng của kiến trúc cổ truyền.
Nhà hát Hòa Bình Quận 10 cũng vào danh sách bình chọn. Công trình là điểm nhấn cho thành phố trong giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới của thành phố. Là một trong những công trình trọng điểm đầu tiên nên Nhà hát Hòa Bình cũng là cái nôi của rất nhiều tên tuổi trong giới nghệ thuật Việt Nam.
Trường THCS Nguyễn Văn Tố (tác giả: KTS. Đồng Viết Thái) cũng là tác phẩm kiến trúc ghi dấu ấn. Trong thiết kế đã tạo nên một phong cách mới, mang dáng dấp hiện đại. Công trình đạt giải thưởng Kiến trúc TPHCM (Giải Bạc), Giải thưởng Kiến trúc Quốc Gia (Giải Đồng); Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 05 năm lần thứ hai (Giải Nhì); Giải thưởng Kiến trúc TPHCM (Giải Bạc).
Tòa nhà Artex Saigon Building (Tác giả: KTS. Trần Khánh Trung) được đánh giá là công trình hài hòa với kiến trúc, cảnh quan khu vực, mang tính hiện đại nhưng vẫn hài hòa không phá vỡ kiến trúc, cảnh quan của khu trung tâm còn nhiều công trình cổ, được trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (Giải Ba).
Vào danh sách tác phẩm tiêu biểu còn có Nhà Thiếu nhi và quần thể công trình nhà thiếu nhi TPHCM (tác giả: KTS. Nguyễn Trường Lưu). Công trình mang dáng vẻ hiện đại, duyên dáng, trang nhã. Ý tưởng tạo hình khối kiến trúc được lấy từ hình tượng mầm cây, tổ chim và cánh diều đang bay. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt, học tập của nhiều thế hệ thiếu nhi tại TPHCM.
QUANG VINH - DUY LUÂN - HOÀI GIANG - ĐAN QUỲNH