Được bảo tồn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội, năm 2012, cây đèn được công nhận là Bảo vật Quốc gia do là "cây đèn hình người quỳ lớn nhất trong số ít những cây đèn cùng loại của văn hóa cuối thời Đông Sơn"; là "biểu tượng phản ánh sự giao thoa văn hóa trong khu vực dựa trên nền tảng của Văn hóa Đông Sơn bản địa"…
Trong số các di vật Đông Sơn là Bảo vật Quốc gia, cây đèn Lạch Trường chính là di vật kỳ bí nhất, bởi gần 90 năm qua, nguồn gốc của nó vẫn còn gây tranh cãi.
Cây đèn hình người quỳ Lạch Trường ở Bảo tàng Lịch sử và hình cây đèn được Janse phục dựng.
Năm 1959, Janse chứng minh tượng người trên cây đèn thể hiện vị thần Hy Lạp Dionysos, thần rượu, thần sinh sản, thần kết nối người sống với người chết… Tuy nhiên, năm 1972, ông cho rằng hình người trên cây đèn là sự tái hiện chủ nhân ngôi mộ, một người Ấn Độ nhưng theo văn hóa và tín ngưỡng Trung Hoa, người có vai trò của thần Dionysos châu Á…
Theo nhà khảo cổ học Pháp Goloubew, tượng người quỳ là Quỉ Vương, thần cai quản âm phủ trong Ấn Độ giáo và Phật giáo. Cây đèn là một sản phẩm Đông Sơn thời Hán tổng hòa các yếu tố Trung Hoa và Ấn Độ.
Vào những năm 2000, một số nhà khảo cổ học Việt Nam cũng cho rằng cây đèn có niên đại hậu Đông Sơn, mang đậm chất Đông Sơn nhưng không nói rõ tượng người quỳ là ai. Một số người khác lại cho rằng cây đèn có nguồn gốc Hán, tượng người quỳ thể hiện tù binh Hung nô gốc phương Tây bị người Hán bắt làm người hầu đội đèn…
Từ các tư liệu mới, một nghiên cứu dân tộc - khảo cổ học gần đây đã chứng minh hình người quỳ trên cây đèn đúng là tái hiện chủ nhân ngôi mộ, nhưng đó không phải là một người Ấn Độ mà là một pháp sư Saka đến từ nước Điền ở Vân Nam.
Người Saka hay Scyth là một tộc người du mục ở khắp vùng thảo nguyên Âu - Á. Họ là tổ tiên của người Đông Slave, bao gồm người Nga và Ukraine ngày nay. Trong lịch sử, họ có những liên hệ chặt chẽ với người Hy Lạp, Ấn Độ…
Khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên (TCN), từ vùng Biển Đen, một số nhóm Saka tới Ấn Độ. Khoảng thế kỷ 2 TCN, họ tới Vân Nam. Với tài chinh chiến, họ đã trở thành một nhóm quý tộc quyền thế của nước Điền. Họ đã đem tới văn hóa Điền các tục cưỡi ngựa, thờ cúng bò, nghệ thuật nhảy múa và nghệ thuật tạo hình động vật vùng thảo nguyên… Sự hòa nhập giữa văn hóa Saka và văn hóa Điền đã tạo ra nhiều sản phẩm độc lạ của văn hóa Điền, đặc biệt là các thạp hình trống đồng với các pho tượng đúc dày đặc trên nắp và hai bên thân bằng phương pháp sáp chảy, phản ánh cực kỳ sống động và tinh tế con người, xã hội, văn hóa Điền… Sự có mặt của người Saka ở nước Điền còn được khẳng định qua tượng các kỵ binh với trang phục Saka trên một nắp thạp Điền; hình đoàn người với hai người Saka dáng cao, râu để chòm, đeo kiếm dài ở thắt lưng trên một nắp thạp Điền khác...
Sau khi nước Điền bị nhà Hán thôn tính vào năm 109 TCN, nhất là sau khi nhà Hán đàn áp các cuộc khởi nghĩa của quý tộc Điền trong các năm cuối thế kỷ 1 TCN, nhiều quý tộc Điền, trong đó có người Saka đã di tản về phía Nam, phần lớn tới tị nạn ở vùng núi Thanh -Nghệ, nơi nhà Hán cai trị lỏng lẻo. Tại đó, họ đã hội nhập với các nhóm Âu Lạc đến từ trước…
Các bằng chứng về di dân Điền ở Việt Nam là các kho chôn đồ Điền dọc sông Hồng, Lào Cai; các ngôi mộ chứa di vật mang đặc trưng Điền ở Làng Vạc, Nghệ An.
Quan sát và so sánh kỹ, có thể thấy tượng người quỳ trên cây đèn Lạch Trường có một loạt các yếu tố đặc trưng của một pháp sư Saka.
Pháp sư Saka là đàn ông nhưng có tính đàn bà (dạng ái nam ái nữ như nhiều ông đồng Việt xưa nay). Rõ ràng, vị pháp sư trên cây đèn Lạch Trường có đôi vai thon, eo thắt lưng ong, bụng dưới nở đầy nữ tính…
Vị pháp sư ở tư thế quỳ, là tư thế cơ bản của các pháp sư Saka trong các nghi lễ thể hiện sự tiếp xúc với thế giới của tổ tiên - thần linh. Người Việt cho đến nay vẫn dùng từ "hầu đồng", ngụ ý các ông bà đồng trong lễ là người hầu của tổ tiên - thần linh.
Một khóa thắt lưng Điền mạ vàng có hình hai người đàn ông dáng cao, đầu cạo, đeo kiếm có đốc tròn và tay cầm đôi chũm chọe múa trên một con rắn. Rắn là hiện thân cho bà tổ của người Saka; kiếm và chũm chọe là hai lễ khí đặc trưng của pháp sư Saka. Janse cũng tìm thấy trong ngôi mộ Lạch Trường cùng với cây đèn là hai đôi chũm chọe và một kiếm sắt đốc tròn kiểu Điền, thêm một bằng chứng khẳng định chủ nhân mộ là một pháp sư Saka gốc Điền.
Các pháp sư Saka xưa thường cạo đầu, đội một vành khăn có hình răng cưa. Nhưng vị pháp sư Lạch Trường lại đội một chiếc mũ da hình tròn khít lấy chiếc đầu cạo, trên phủ đầy các hoa văn chữ S với hai đầu xoáy ốc gợi tới mái tóc xoắn ốc của Đức Phật. Phía trước trán, trên vành khăn là một hình sừng cách điệu gợi tới cặp sừng hươu trên đầu của các pháp sư Saka xưa.
Vào thời đó, một quan niệm phổ biến ở người Saka cho rằng Đức Phật Thích Ca vốn là người Saka. Tên của Ngài là Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) có nghĩa là "Nhà Hiền triết của người Sakya" (Sakya là một biến thể của Saka). Vì thế, người Saka ở Ấn Độ đã ủng hộ đạo Phật rất mạnh mẽ.
Như vậy, chiếc mũ phủ đầy xoáy ốc của vị pháp sư Lạch Trường cũng chỉ ra nguồn gốc Saka của ông.
Các pháp sư Saka xưa thường mang thắt lưng da có các hoa văn bằng đồng hay vàng. Thắt lưng của pháp sư Lạch Trường được trang trí bằng mô típ bông hoa 6 cánh quanh một nhụy tròn nổi, một biểu tượng cho mặt trời thường thấy trên mũ miện và bao tên bằng vàng của quý tộc Saka xưa. Trên đùi và gót chân pháp sư Lạch Trường có những tượng nhỏ thể hiện các nhạc công đánh chũm chọe hay thổi sáo. Chũm chọe và sáo là hai nhạc cụ không thể thiếu cho một nghi lễ của pháp sư Saka. Các nhạc công đội mũ hình chóp, một dạng mũ của người Saka xưa.
Vị pháp sư Lạch Trường có một nụ cười huyền bí trên môi. Đó là nụ cười thể hiện trạng thái thăng hoa và mãn nguyện của một pháp sư khi hầu thánh và được thánh nhập.
Đặc biệt, trên đỉnh đầu ông có một phần nhô lên gợi tới búi tóc trên đỉnh đầu Phật. Tuy nhiên, đó là hình một trống đồng Đông Sơn cách điệu. Các hình người quỳ trên nhiều cây đèn khác ở Lạch Trường và của văn hóa Đông Sơn có hình trống đồng rõ rệt hơn. Hình trống đồng cũng thường thấy trên đầu các bà đồng Điền.
Cùng với hình trống đồng trên đầu, hình đầu chim và rắn ở ba đĩa đèn quanh đầu vị pháp sư thể hiện sự đan xen, tổng hòa tín ngưỡng bà tổ rắn của người Saka, ông tổ rắn của người Điền và bà tổ chim mặt trời của người Lạc Việt.
Theo một tục thịnh hành thời Hán, tầng lớp quý tộc ở Vân Nam và Cửu Chân thường dùng các cây đèn hình người bằng đồng để thắp sáng, làm vật trang trí và thờ thần linh trong các hầm mộ.
Tuy nhiên, khác với các cây đèn Hán có tượng người quỳ là người hầu nam hay nữ mặc trang phục Hán, các cây đèn của quý tộc Saka thường có tượng người nam mang khuôn mặt Saka nhưng để mình trần đóng khố như nam giới Bách Việt. Trong ngôi mộ của pháp sư Lạch Trường còn có một chiếc đĩa đèn, ở giữa có tượng một chú bé với đôi mắt to và hai búi tóc hình sừng đang ôm một dương vật lớn. Hai cây đèn được tìm thấy trong một ngôi mộ khác ở Lạch Trường lại có tượng hai chú bé đều đội mũ đầy hoa văn xoáy ốc, trên chóp có hình trống đồng, một chú có đôi tai lớn, dái tai dày như tai Phật, miệng mỉm cười thần bí…
Một số cây đèn hình người cũng được tìm thấy ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam với nhiều nét tương đồng và rất có thể, tất cả đều đã được các nghệ nhân Đông Sơn, trong đó có các nghệ nhân Saka, tạo ra với cảm hứng từ cây đèn hình pháp sư Lạch Trường, cây đèn hình người quỳ đẹp nhất và có tính biểu tượng phong phú nhất của văn hóa cuối thời Đông Sơn.
Việc xác định hình người quỳ trên cây đèn Lạch Trường là pháp sư Saka đã lý giải thỏa đáng những yếu tố Hy Lạp, Ấn Độ, Hán, Đông Sơn của nó. Tính kỳ bí của cây đèn phản ánh tính kỳ bí của pháp sư Saka, nhân vật có vai trò kỳ bí ở một tộc người cũng rất kỳ bí trong lịch sử nhân loại.
Tạ Đức