Kỳ cục bóng đá Việt Nam!

Kỳ cục bóng đá Việt Nam!
3 giờ trướcBài gốc
V-League ra đời năm 2001 thay cho cách gọi khác của giải vô địch quốc gia bao năm qua vẫn không cho thấy lộ trình phát triển mà ngày càng đeo bám mệt mỏi trước bóng đá Đông Nam Á như Thái Lan, Indoneisa…
Nghịch lý mô hình siêu mẫu
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương chia sẻ, bóng đá Việt Nam không giống ai với một hệ thống thi đấu giống như một cô siêu mẫu với con số ba vòng rất chuẩn nhưng chẳng đẹp chút nào. Theo đó, giải đấu V-League cao nhất có 14 đội tham dự, đến giải hạng Nhất chỉ có 11 CLB, hạng Nhì lại có 14 đội. Những con số này hoàn toàn đi ngược lại xu thế bóng đá chuyên nghiệp và phản ảnh rõ sự phát triển không đồng bộ của một hệ thống.
Bóng đá Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ theo đúng nghĩa chuyên nghiệp nếu không muốn rơi vào cảnh “sút thủng lưới nhà”
Thay vì nền tảng của các giải vô địch quốc gia luôn phải đi lên theo mô hình Kim Tự Tháp thì bóng đá Việt Nam đi ngược lại. Dẫn chứng là Thai-League (giải vô địch quốc gia Thái Lan tương tự V-League) hiện có 16 đội, xuống Thai-League 2 có 18 đội, Thai-League 3 có đến 69 đội chia làm 6 khu vực thi đấu sôi nổi cả năm. Làng bóng Indonesia với giải cao nhất Liga 1 sở hữu 18 đội, Liga 2 có đến 26 đội chia 3 bảng đấu, Liga 3 có đến 80 đội chia thành 16 bảng chọn ra 18 đội chơi vòng chung kết thăng hạng.
Cách đây 4 năm, Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra tầm nhìn đến năm 2025 ở ba hạng thi đấu phải có 14 đội mỗi hạng, nhưng với sự èo uột của các địa phương quá phụ thuộc vào ngân sách ít ỏi hoặc túi tiền của các ông bầu thì cơ hội làm mới xem như bất thành.
Thậm chí, mùa giải hạng Nhất năm nay còn đối diện nguy cơ phá sản khi có đến 5 đội xin giải tán vì không có kinh phí tham dự. May nhờ có nhà đầu tư của V-League hào phóng bung tiền ra cứu nên giải không vỡ, bất chấp sự tác động từ một ông bầu nhiều đội bóng với quyền “sinh sát” trong tay có thể thao túng cả cuộc chơi.
Bóng đá Việt Nam không làm ra tiền thì đương nhiên không thể nuôi một bộ máy đồ sộ.
Bóng đá Việt Nam còn kỳ cục ở khâu đào tạo trẻ mỗi nơi làm một kiểu, không có quy trình tuyển chọn, dạy bóng đá một cách thống nhất và phù hợp với thể trạng cầu thủ cho từng lứa tuổi. Cùng với một hệ thống các giải quốc gia ngược đời, không theo công thức khoa học cũng đồng nghĩa với sự phát triển chỉ… hên xui mà thôi.
Một nền bóng đá quá lệ thuộc các ông bầu
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương ví von bóng đá Việt Nam như đang đi trên dây mà không biết rơi lúc nào, vì rất nhiều CLB lệ thuộc vào ông bầu bỏ tiền ra tài trợ để đổi lại dự án hoặc đất vàng ở địa phương cho đến lúc “hết xôi thì rồi việc”. Trong hơn 20 năm qua, có rất nhiều đội bóng giải thể do các ông bầu “rút ống thở” khi không còn lợi nhuận kinh doanh hoặc đơn giản là không thích nữa là nghỉ ngang.
Hơn nữa, các CLB ở làng bóng Việt Nam mua bán cầu thủ một cách rất dễ dàng hoặc khi doanh nghiệp đỡ đầu tuyên bố phá sản cũng có nghĩa đội bóng biến mất hoặc sang tay cho ông chủ khác. Tất cả nằm trong tay ông bầu và phục vụ cho mục đích của họ. CLB Bình Định chỉ trong một mùa bóng có đến ba lần đổi tên; Hoàng Anh Gia Lai xin gắn thêm cái đầu vào tên CLB nhưng sau khi nhà tài trợ nhảy lên ôm cả giải thì cắt; TP.HCM chuyển hộ khẩu ra Ninh Bình chỉ trong vòng “một nốt nhạc”...
Ông Xương nói rõ các đội bóng có danh xưng chuyên nghiệp thực chất chỉ là nghiệp dư chuyển từ hình thái nhà nước bao cấp sang ông bầu bao sô. Các ông bầu thì tiền đâu ra nuôi một đội bóng, thậm chí vài đội bóng mỗi mùa cả trăm tỷ đồng, nếu không đổi dự án rồi lấy phần lãi chi cho bóng đá? Từng có đội của hãng sơn, đội xi măng, một số đội ngân hàng… sớm nở tối tàn kiểu đầu tư ngắt ngọn “bánh ít đi, bánh quy lại” mà không có một hành lang pháp lý nào, trong sự nhắm mắt làm ngơ bởi xuê xoa theo tư duy nhiệm kỳ của VFF.
Cũng từng có nhiều đội bóng chuyên nghiệp vô địch quốc gia rồi đến khi ra đấu trường quốc tế liền bị Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) “tuýt còi” vì không đủ tiêu chí tham gia giải, từ nền tảng cơ sở vật chất cho đến quy định về đạo tạo trẻ.
Bóng đá Việt Nam không làm ra tiền thì đương nhiên không thể nuôi một bộ máy đồ sộ. VFF đặt ra điều lệ mỗi CLB hạng Nhất phải có ít nhất 35 tỉ đồng, V-League mỗi mùa có 50 tỉ đồng nhưng thực chất con số vận hành bộ máy lớn hơn rất nhiều, trong bối cảnh không có đội bóng nào làm ra tiền.
Chỉ đến khi nào VFF dũng cảm điều chỉnh lại chiến lược, bỏ tư duy nhiệm kỳ, đồng thời xây dựng mô hình và lộ trình bóng đá chuyên nghiệp bài bản theo xu hướng chung của thế giới, nếu không muốn trả giá trong một tương lai gần.
Bóng đang lăn đã thấy nhà vô địch
Bầu Đức từng có thời điểm tuyên bố cho đội Hoàng Anh Gia Lai góp mặt ở V-League cho vui mà không mơ đến ngôi vô địch vì “một mình không thể chống lại mafia”. Nguyên do bóng đá Việt Nam xảy ra tình trạng một ông bầu nhiều CLB mà ngay từ khi bóng còn lăn đã biết nhà vô địch. Nó không phản ánh trung thực ở một giải đấu thể thao rất cần sự cao thượng từ cầu thủ cho đến những ông chủ.
Thật xấu hổ khi cổ động viên Sông Lam Nghệ An mang cả băng-rôn đến sân vận động với lời mỉa mai: “Bầu H. có thể sở hữu 5 đội bóng nhưng không thể mua được tình yêu trên khán đài như fans”. Bên cạnh CLB Hà Nội lập kỷ lục 6 mùa vô địch V-League, đội bóng xứ Nghệ, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam đã từng đăng quang nhờ “thế thời, thời phải thế” một cách không bền vững cho đến nay mùa nào cũng khốn khổ lo chạy trốn rớt hạng.
Công Tuấn
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/ky-cuc-bong-da-viet-nam-314851.html