Về mặt lý thuyết, HĐND có 3 căn cứ để lựa chọn vấn đề ban hành nghị quyết. Thứ nhất, từ yêu cầu thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Thứ hai, xuất phát từ kết quả giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, hoạt động tiếp xúc cử tri... của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND. Thứ ba, do UBND, UB Mặt trận Tổ quốc và các ngành chuyên môn đề nghị.
Toàn cảnh thành phố Yên Bái nhìn từ trên cao
Khi dự kiến Chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm, HĐND có thể so sánh, đối chiếu các đề nghị ban hành nghị quyết của nguồn thứ nhất và nguồn thứ ba với nguồn thứ hai - là những gì HĐND trực tiếp mắt thấy tai nghe, để có những lựa chọn sát với yêu cầu thực tế nhất; đáp ứng được mong muốn của cử tri. Nghe thì đơn giản, nhưng để ban hành một nghị quyết cực kỳ vất vả và không hề đơn giản. Nghị quyết không chỉ là kết tinh trí tuệ tập thể, sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm, áp lực mà còn thể hiện cái Tầm, cái Tâm của biết bao đại biểu dân cử gửi vào trong từng câu chữ.
Có thể không nhiều người hiểu được những chuyện “hậu trường” của gần 300 nghị quyết đã được HĐND tỉnh Yên Bái ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Những vấn đề, những thách thức chưa từng có tiền lệ thực sự là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, là thước đo bản lĩnh của mỗi đại biểu dân cử. Để đáp ứng tính kịp thời, nóng hổi và cấp thiết phải ban hành chính sách tại những thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và những người quyết định bấm nút thông qua là các đại biểu HĐND, với trách nhiệm cao nhất đã phải làm việc với cường độ và tốc độ chóng mặt.
Những cuộc họp rà soát, thẩm tra không kể ngày giờ; những trao đổi, thảo luận, tranh luận sôi nổi, đôi khi chỉ xoay quanh một từ, một cụm từ hay một dấu câu. Tranh luận không phải để phân định đúng - sai, không phải để thể hiện sự hiểu biết hay chứng minh “cái tôi” cá nhân mà để tìm đến tiếng nói chung, để cho nghị quyết và chính sách ban hành phải phù hợp với thực tiễn, vì cuộc sống của người dân.
Những bữa cơm trưa vội vàng vì cuộc họp kéo dài cả buổi sáng song câu chuyện trên mâm cơm trong những phút ngắn ngủi ấy vẫn xoay quanh những vấn đề, quan điểm về chính sách đang dự thảo. Không mấy ai hiểu được phía sau những con chữ trong nghị quyết của HĐND là bao cảm xúc. Vui có, buồn có. Đó là tâm trạng nặng nề, đầy tình thương và lòng trắc ẩn khi nhắc đến những thiệt hại, mất mát, đau thương mà người dân phải gánh chịu khi quyết định ban hành các nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ quét ở Mù Cang Chải hồi tháng 8.2023 và bão số 3 (bão Yagi) tháng 9 vừa qua. Hay là tâm trạng băn khoăn, lo lắng, trăn trở về các giải pháp nhằm đưa công dân của tỉnh từ tâm dịch ở các tỉnh phía Nam trở về trong đại dịch Covid-19; việc lường trước những tình huống bất ngờ, biến cố có thể xảy ra để chủ động có giải pháp bảo hộ công dân khi người lao động của tỉnh xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hoặc là tư duy cân não khi nguồn lực từ ngân sách chỉ có vậy, làm thế nào để lồng ghép, huy động các nguồn lực để chính sách đến tay người dân là ưu việt nhất, mức thụ hưởng cao nhất...
Và rất nhiều câu chuyện “ngoài lề” nghị quyết nhưng xuất phát từ trong trái tim của những người quyết định ban hành chính sách.
Trên thực tế, không phải tất cả các nghị quyết, chính sách được ban hành khi đưa vào triển khai đều suôn sẻ. Thực tiễn cuộc sống lại tiếp tục nảy sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà tại thời điểm ban hành nghị quyết chưa xuất hiện. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của người thực thi chính sách thế nào, trách nhiệm của HĐND tỉnh đến đâu trong giám sát thực hiện các chính sách? Muốn hiệu quả thực chất là phải đi đến cùng, giám sát đến cùng, không nể nang, không ngại va chạm, kịp thời phát hiện, từ đó có giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.
Việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các nghị quyết, chính sách là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn, cũng là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của HĐND. Vì vậy, sẽ là thiển cận nếu ai đó nghĩ rằng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành nghị quyết mới thay thế là phủ nhận tính đúng đắn của nghị quyết đã ban hành.
Cuối năm 2021, HĐND tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết thông qua Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, là cơ sở quan trọng mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong đổi mới phương thức hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái.
Nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng thực hiện đổi mới cách thức tổ chức để nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp; đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để các nghị quyết ra đời bảo đảm tính khả thi, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp điều kiện thực tiễn”.
Cùng với đó là: “Nâng cao chất lượng công tác giám sát chuyên đề, chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiếp xúc cử tri, kết hợp tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và nhóm đối tượng; bảo đảm các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được phản ánh đầy đủ, chính xác, gửi đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, triệt để. Tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan liên quan”.
Đồng thời: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND; chất lượng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết của HĐND, nhất là các nghị quyết liên quan trực tiếp đến người dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, làm việc gì cũng phải xác định “vì ai mà làm”.
Điều này thật đúng, không chỉ với riêng Yên Bái.
Trên hành trình đổi mới và phát triển hôm nay, mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân ngày càng bền chặt, củng cố và phát triển, “nhất hô bá ứng”, “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường đối thoại, hướng mạnh về cơ sở; cán bộ thực sự là công bộc của dân, luôn “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; kiên định mục tiêu, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo; dù công việc khó khăn đến đâu cũng tìm giải pháp để hoàn thành, “biến khó khăn thành thuận lợi”, “biến thách thức thành thời cơ”, thực hiện theo đúng tinh thần “nghĩ thật - nói thật - làm thật - hiệu quả thật - để Nhân dân được hưởng thành quả thật”.
Vì dân mà làm, nghĩ cho dân, nghị quyết chắc chắn sẽ không nằm trên giấy.
THANH TÂM - THANH BÌNH - VIỆT LINH - NHẬT ANH