Kỳ cuối: Kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên: Đợi chờ dòng kênh xanh

Kỳ cuối: Kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên: Đợi chờ dòng kênh xanh
một ngày trướcBài gốc
Thi công rốt ráo
Dự án kênh Tham Lương có tổng chiều dài 32,71km bắt đầu từ cửa sông Rạch Nước Lên với sông Chợ Đệm (H.Bình Chánh) đến cửa sông Vàm Thuật với sông Sài Gòn (Q.Gò Vấp). Con kênh đi qua bảy quận, huyện gồm: Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh và Q12, giúp kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương qua sông Sài Gòn. Tổng mức đầu tư của dự án gần 8.200 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 9.030 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý (BQL) dự án Đầu tư xây xựng hạ tầng đô thị TPHCM làm chủ đầu tư. Năm 2024, dự án đã giải ngân 962,3 tỷ đồng (đạt 76,4%). Năm 2025 dự kiến giải ngân 3.567 tỷ đồng.
Dự án kênh Tham Lương bắt đầu triển khai giai đoạn 1 vào năm 2002 với việc giải phóng mặt bằng, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nạo vét kênh, thông dòng chảy, bồi đắp tạo đường giao thông dọc hai bên kênh, xây dựng cửa thoát nước tại một số rạch nhánh. Do vướng mắc một số vấn đề, nhất là thiếu vốn khiến dự án bị gián đoạn.
Ngày 23/02/2023, dự án được tái khởi động lại và bắt đầu thi công giai đoạn 2 với nhiều hạng mục quan trọng như: tập trung xây dựng 63,11km bờ kè, nạo vét 31,46km tuyến kênh, mở rộng đáy kênh từ 30 - 40m, xây dựng 12 bến thuyền, 3 cây cầu, 19 cống thoát nước, sửa chữa các cống ngang, xây dựng đường giao thông chạy dọc hai bờ kênh với bề rộng từ 7 - 12m, vỉa hè 3m cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh...
Công nhân thi công ráo riết
Sau khi có lệnh khởi công, các đơn vị thi công đã rốt ráo triển khai công việc, tiến hành san lấp mặt bằng, thử cọc bê tông, đóng cừ làm bờ bao, nạo vét lòng kênh, lu dầm đường giao thông...
Ghi nhận tại dự án ở khu vực hai bên cầu An Lộc nối Q12 và Q.Gò Vấp cho thấy, đơn vị thi công đang huy động nhiều thiết bị máy móc, công nhân, vật liệu xây dựng tiến hành san lấp mặt bằng, nhồi ép hàng trăm cọc cừ ván bê tông, cọc nhồi dự ứng lực, xây cầu bắc qua một số kênh rạch... Hai bên bờ sông Vàm Thuật, hàng trăm mét bờ sông đã được đóng cừ ván bê tông, đúc dầm bó vỉa hè, san lấp mặt đường bờ sông. Giữa cái nắng chói chang ở cao điểm mùa khô, hàng chục công nhân, kỹ sư, đội ngũ thiết kế đã không ngại gian khổ "đội nắng thắng mưa" hối hả thi công để sớm đưa công trình về đích.
Từ cầu An Lộc (Q12) đến cống kiểm soát triều và trạm bơm Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh), các đơn vị thi công huy động hàng chục công nhân, kỹ sư cùng các thiết bị như xà lan, cần cẩu, máy đào, máy múc và các thiết bị máy móc khác khẩn trương thi công bờ kè, cống thoát nước dọc hai bên bờ sông Vàm Thuật.
Ở khu vực gần cầu Chợ Cầu thuộc P14 (Q.Gò Vấp) và khu vực sông Tham Lương chảy qua P.Đông Hưng Thuận (Q12), hàng trăm mét bờ kênh đã được đơn vị thi công hoàn thành xong việc đóng cừ ván bê tông, đúc dầm bó vỉa hè, đổ đất, lu dầm mặt đường, bờ kênh ở đoạn này dần dần "thay da đổi thịt".
Tại các khu vực như: hai bên cầu Tham Lương thuộc địa bàn P15 (Q.Tân Bình) và P.Tân Thới Nhất (Q12), khu vực chảy qua khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân)..., các đơn vị thi công huy động nhiều thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, cừ ván bê tông cốt thép, cọc bê tông dự ứng lực, bố trí xà lan cần cẩu, máy múc, công nhân... tiến hành lắp đặt dàn giáo, nạo vét lòng kênh, san ủi hai bên bờ kênh, giải phóng mặt bằng, khoan nhồi cọc dự ứng lực.
Ở một số khu vực khác, các đơn vị thi công khác cũng đang ráo riết đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo BQL dự án, tính đến ngày 25/01/2025, tổng khối lượng của dự án đạt khoảng 43,5%. Trong đó, gói thầu XL-08 đạt 56,5%, gói thầu XL-09 53,4%, gói XL-07 đạt 49,6%, gói XL-05 đạt 45,1%, gói XL-02 28,1%, gói XL-10 đạt 29,3%.
Được biết, còn 25 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án trong giai đoạn 1 đã được bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng hoặc tái lấn chiếm. Trong đó, H.Bình Chánh có 1 trường hợp, Q.Tân Bình 23 trường hợp, Q.Bình Thạnh có 1 trường hợp.
Để bảo đảm tiến độ thi công, BQL dự án kiến nghị các địa phương khẩn trương lập kế hoạch thu hồi mặt bằng để bàn giao cho các đơn vị thi công trong tháng 02/2025. Đối với những trường hợp chưa nhận tiền đền bù ở Q.Bình Tân, BQL dự án đề xuất quận này tiếp tục vận động người dân nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho dự án trong tháng 02/2025.
Dự kiến, con kênh sẽ khánh thành vào ngày 31/12/2025. Khi hoàn thành, tuyến kênh này sẽ trở thành trục thoát nước chính cho gần 15.000 héc-ta khu vực xung quanh, tạo điều kiện phát triển giao thông thủy, kết nối TPHCM với Long An qua sông Chợ Đệm và với Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn. Đồng thời giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1A nhờ 2 tuyến đường dọc hai bên kênh.
Nhiều thiết bị máy móc được huy động để thi công
Chờ đợi từng ngày
Ông Trần Văn Bình (ngụ Q.Gò Vấp), sống gần kênh Tham Lương kể, vài chục năm về trước, hai bên bờ kênh Tham Lương là một vùng thôn quê rộng lớn. Bà con chủ yếu làm ruộng, nhà cửa thưa thớt, nước kênh trong xanh, nhiều tôm cá, trẻ con thoải mái bơi lội, tàu bè của thương hồ qua lại dễ dàng. Nhưng vài chục năm trở lại đây, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển chóng mặt. Nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà cửa mọc lên như nấm nhanh chóng xâm lấn dòng kênh. Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, rác ồ ạt đổ ra môi trường khiến dòng kênh xanh ngày nào bị "hóa kiếp" thành dòng "kênh chết".
Chiều 05/03/2025, đi dọc dòng kênh Tham Lương, chúng tôi thấy dòng kênh đang bị ô nhiễm nặng. Hai bên bờ kênh, nhiều chỗ cỏ mọc um tùm, rác bị vứt xả tùm lum. Dưới kênh là dòng nước đen ngòm tanh hôi nồng nặc; chai nhựa, hộp xốp, thùng xốp, túi ni lon, xác động vật trôi lềnh bềnh, có chỗ lục bình ken kín dòng kênh.
Ông Lê Văn Út, một người dân làm nghề đãi trùn chỉ có nhiều năm sống trên kênh Tham Lương chia sẻ, hơn chục năm qua, ông chưa thấy dòng kênh nào ô nhiễm như kênh Tham Lương. Lúc trước, dòng kênh này có thể giăng câu, thả lưới, nhưng bây giờ kênh Tham Lương bị "bức tử" ô nhiễm quá nặng, tôm cá không sống nổi, nghề câu, nghề lưới vì thế mà chết yểu, gia đình ông và nhiều ngư phủ khác phải chuyển qua làm nghề đãi trùn chỉ kiếm sống qua ngày.
Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ Q12), sống gần kênh Tham Lương cho biết, ngày nào gia đình anh và hàng trăm người dân ở đây cũng bị mùi hôi thối của kênh Tham Lương tra tấn. Khổ nhất là những hôm đầu mùa mưa, nước từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra làm nước kênh nổi bọt trắng xóa, mùi hôi khủng khiếp. Nhiều hôm đang ăn cơm, mùi hôi thối từ kênh xộc vào phải bỏ bữa giữa chừng, có hôm nằm ngủ phải đeo khẩu trang. Mùi hôi thối của kênh cũng khiến nhiều người gặp các vấn đề về da liễu, hô hấp, như: ngứa, viêm xoang... Hay tin TP nỗ lực hồi sinh dòng kênh, anh và hàng ngàn bà con không khỏi phấn khởi. Anh hy vọng một ngày không xa, con kênh dài nhất TP này sẽ được "khoác lên mình chiếc áo mới" xanh tươi, đẹp đẽ, bà con sẽ được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ như xưa.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, nguyên chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án hoàn thành chắc chắn sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng cũng như toàn TP nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong đợt khảo sát để thúc đẩy tiến độ dự án kênh Tham Lương, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của dự án, đồng thời lưu ý các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vận động người dân cùng đồng hành chia sẻ. Chủ đầu tư phải yêu cầu các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, nhân lực để triển khai các hạng mục công trình đã đề ra. Thậm chí phải linh hoạt thi công cả ban đêm.
Quan trọng nhất là việc bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra bất cứ vấn đề tiêu cực, tham nhũng nào thông qua việc phát huy vai trò giám sát của các mặt trận, đoàn thể, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "Công trình có ảnh hưởng rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, làm nền tảng cho sự phát triển giao thông, kinh tế. Vì vậy, dự án rất được sự ủng hộ và mong chờ của nhân dân trong suốt 20 năm qua. Nói điều này cho thấy chúng ta hiểu trách nhiệm của mình để đáp ứng lòng mong mỏi của người dân".
Sự thành công của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm và kênh Tham Lương sẽ làm tiền đề vững chắc để lãnh đạo TP quyết tâm thực hiện 2 dự án trọng điểm khác là cải tạo rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) và bờ bắc kênh Đôi (Q8), giúp TPHCM có thêm một "chiếc áo mới".
DUY LUÂN - HẢI VĂN - VĂN CƯƠNG
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/ky-cuoi-kenh-tham-luong-ben-cat-nuoc-len-doi-cho-dong-kenh-xanh_176826.html