Hoàn thiện pháp luật để đảm bảo tốt hơn quyền con người
Đặt Nhân dân là trung tâm
Hiến pháp 2013 có thể được coi là một bản hiến chương về quyền con người ở Việt Nam vì đã hàm chứa đầy đủ và toàn diện một hệ thống các quyền con người hiện đại, là một bước tiến đáng kể về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, Việt Nam luôn thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc quyền con người, quyền công dân, không chỉ minh định trong hệ thống pháp luật mà còn triển khai trong thực tiễn.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các công ước quốc tế về quyền con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền việc làm… Đồng thời, Nhà nước cũng thiết lập cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân thông qua chế tài xử phạt các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền công dân của bên thứ ba với nhiều cấp độ khác nhau như chế tài hành chính, chế tài hình sự; đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn phải chịu thêm chế tài kỷ luật.
Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam thường xuyên tiến hành hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, coi đây là một nhiệm vụ rất quan trọng bảo đảm cho luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện trong thực tế. Trong đó, Quốc hội giám sát việc thực thi nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát Chính phủ về việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới, về phòng chống xâm hại trẻ em, về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm học phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...
Kết quả giám sát của Quốc hội đã kịp thời chỉ ra những bất cập về thể chế trong việc tổ chức thực hiện của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, đồng thời cũng đưa ra những khuyến nghị, giải pháp khắc phục. Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua các hình thức: xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; giám sát chuyên đề một số lĩnh vực; giám sát cụ thể một số vụ việc quan trọng; chất vấn Chính phủ. Các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được tăng cường.
Như vậy, với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Dấu ấn đặc biệt trong kiến tạo thể chế
Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (từ ngày 5/5 đến 27/6/2025) mang dấu ấn đặc biệt trong kiến tạo thể chế, bởi kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc liên quan đến công tác lập pháp khổng lồ. Ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh: “Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững”.
Sự đột phá về thể chế đã thể hiện rất rõ, khi chỉ trong 35 ngày làm việc nhưng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ Khóa XV. Quốc hội cũng đã thông qua 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 6 dự án luật...
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao công tác lập pháp khi không ít luật, nghị quyết được thông qua với tuyệt đại đa số các đại biểu Quôc hội tán thành. Điều này một lần nữa khẳng định những chính sách trong các dự thảo luật, nghị quyết trình ra Quốc hội đã thực sự “chín”, được chắt lọc từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài việc thông qua luật, nghị quyết để phát triển kinh tế, Quốc hội thông qua nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; quyết định cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội... Điều này một lần nữa cho thấy, bên cạnh phát triển kinh tế, Quốc hội đề cao mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền con người. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh.
Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, Nhà nước đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người. Cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về quyền con người, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
PGS. TS Tường Duy Kiên cho rằng, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cần tập trung vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm thực hiện các quyền dân sự, chính trị, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, người nghèo).
Ngày 30/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo Nghị quyết, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bào đám, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Nhật Nam