Lạm dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe
Ngày 1/6/2023, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội đã bắt quả tang, kịp thời ngăn chặn một cơ sở sản xuất chuẩn bị "tuồn" ra thị trường 12.000 sản phẩm TPCN giả. Như vậy có thể thấy nhu cầu về sản phẩm này trên thị trường là quá lớn. Ảnh: Cục QLTT TP Hà Nội.
Không rõ nguồn gốc, trá hình, quảng cáo sai sự thật
Trong khoảng vài năm trở lại đây, thị trường các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được ví như “nắng hạn gặp mưa rào” khi mà nhà nhà, người người tin dùng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ TPCN.
Tuy nhiên, chính nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đã khiến thị trường TPCN bị biến tướng, nhiều kẻ xấu lợi dụng để trà trộn, sản xuất, bán những sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí còn dán mác nhập ngoại hòng lừa đảo, trục lợi… khiến người tiêu dùng “tiền mất, tật mang”.
Thật vậy, chỉ cần vào mạng gõ từ khóa “thực phẩm chức năng xách tay” sẽ có hàng nghìn kết quả hiển thị. Trên các trang mạng hàng trăm sản phẩm với những dòng quảng cáo có công dụng chữa bệnh tim mạch, xương khớp, sỏi thận, ngừa đột quỵ, giải độc gan… thậm chí chữa cả khối u với giá bán từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng/hộp, hoặc có thể cao hơn nếu là hàng Mỹ, châu Âu…
Không chỉ sử dụng ngôn từ mập mờ, thổi phồng công dụng mà các nhóm đối tượng này còn lợi dụng người nổi tiếng, người có uy tín… cắt ghép để làm đại diện hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm của mình với mục đích lừa người tiêu dùng.
Lấy ví dụ cho việc nhiều TPCN quảng cáo công dụng thần kỳ như phá mô mỡ cứng, khóa cân, tránh tăng cân lại, bác sĩ Đỗ Thị Bích Thu - Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học chỉ rõ, TPCN đốt mỡ thường sẽ có tác dụng ở một mức độ chừng mực nào đó. Một số cơ quan chức năng cho rằng các loại TPCN này có thể an toàn khi sử dụng lượng nhỏ và chúng tạo ra hiệu quả trong giảm cân lúc đầu. Tuy nhiên, những cơ chế mà các loại thuốc này vận hành liên quan đến việc điều chỉnh quy trình tự nhiên của cơ thể, đôi khi chúng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Các tác dụng phụ hoàn toàn có thể xảy ra và sự thật là những tác dụng phụ đó ảnh hưởng không ít đến cơ thể bạn, gây ra những triệu chứng khó chịu, hay thậm chí gây tử vong. Bất cứ ai có vấn đề về tim mạch, hormone hay tiêu hóa, nên nghiêm túc cân nhắc việc tránh các TPCN giảm cân. Đối với những người khác, điều này vẫn là một lựa chọn mang tính cá nhân, nhưng khi sử dụng, bạn cần luôn cảnh giác” - bác sĩ Đỗ Thị Bích Thu nhấn mạnh.
Người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo có hình ảnh nhân viên y tế không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ảnh chụp màn hình
Người tiêu dùng không nên lạm dụng
Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” TPCN. Chính vì vậy, ngoài việc cảnh giác để không trở thành “con mồi” cho các đối tượng kinh doanh TPCN lừa đảo, chúng ta cần phải hiểu rõ về TPCN và sử dụng loại TPCN này cho đúng cách.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế của Kỳ họp Quốc hội thứ 8 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Nghị định 15/2018 quy định TPCN gồm 4 nhóm: thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Tuy nhiên, có tình trạng quảng cáo TPCN như thần dược, thổi phồng công dụng, làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về bản chất sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý khi sử dụng TPCN cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
“Trên nhãn sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi đối tượng khuyến cáo sử dụng và không sử dụng” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đồng thời lưu ý người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất.
Như vậy có thể khẳng định rằng, TPCN không phải là thuốc mà chỉ là thực phẩm bổ trợ cho người bệnh trong quá trình điều trị bệnh hoặc bổ trợ sức khỏe cho từng nhu cầu khác nhau của mỗi người.
Vì thế, để là người tiêu dùng thông minh và sử dụng TPCN đúng cách thì ngoài việc tìm hiểu rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép kinh doanh sản phẩm… thì người tiêu dùng cần phải thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế có uy tín. Đồng thời khi dùng các loại TPCN cần có ý kiến tham khảo của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng TPCN khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Về phía cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo TPCN... Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh… để tránh bị lừa đảo.
Thị trường TPCN ở nước ta được ví như mảnh đất màu mỡ khi mà ngày càng nhiều người tin dùng TPCN với niềm tin trị được “bách bệnh” từ nhẹ đến nặng, hay trị cả tứ chứng nan y… Chính nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng ngày càng tăng nên càng ngày càng có nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc được chào bán tràn lan mà không được bất cứ chứng nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thái Phương - Hải Yến