Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao đổi với Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn và các ĐBQH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Sắp xếp tinh gọn các cơ quan của Quốc hội
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã xem xét, ban hành Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, về cơ cấu tổ chức, Quốc hội có 08 cơ quan, gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Công tác đại biểu; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có 19 thành viên, gồm: Chủ tịch Quốc hội, 06 Phó Chủ tịch Quốc hội và 12 Ủy viên.
Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội có Chủ tịch/Chủ nhiệm Ủy ban, các Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm Ủy ban và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Trước đó, thực hiện Kết luận 121-KL/TW 2025 về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội đã thực hiện phương án sắp xếp tinh gọn các cơ quan của Quốc hội như sau:
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại: Chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao; đổi tên Ủy ban Quốc phòng và An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.
Sáp nhập Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Đổi tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
“Kỳ họp bất thường" chuyển thành "Kỳ họp không thường lệ”
Về kỳ họp Quốc hội (Điều 90) đã thay cụm từ "Kỳ họp bất thường" thành "Kỳ họp không thường lệ" theo đề xuất của các đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, Luật quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ; kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.
Sửa quy định về “Làm luật và sửa đổi luật”
Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 về “Làm luật và sửa đổi luật”. Theo đó, Quốc hội ban hành luật để quy định về các nội dung gồm: tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; tố tụng tư pháp.
Luật cũng quy định, Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định về: Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành. Tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trình tự, thủ tục xây dựng, xem xét, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sửa đổi quy định tạm đình chỉ quyền đại biểu Quốc hội
Luật sửa đổi, bổ sung Điều 39 về việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong các trường hợp sau đây: Đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can. Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu Quốc hội là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội đó...
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị xử lý kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ mà có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc UBTVQH xem xét, quyết định việc cho trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu hay đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội./.
Ái Vân