Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo
Việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV trong khuôn khổ phiên họp thứ 41 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp diễn ra sáng nay, 7-1.
Báo cáo về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đến ngày 3-1-2025, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản của 7/17 cơ quan, trong đó, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 8 nội dung (4 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và 1 tờ trình về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư).
Ban Công tác đại biểu đề nghị trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các luật về tổ chức theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
Đại biểu bộ, ngành dự họp
Bên cạnh đó, theo kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 1339/NQ-UBTVQH15 ngày 28-12-2024 của UBTVQH), UBTVQH sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo, xin ý kiến UBTVQH về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày, khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2-2025.
Trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày.
Đại biểu các bộ, ngành dự họp
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quán triệt nguyên tắc ưu tiên xem xét các văn bản pháp luật có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy. "Các cơ quan có liên quan cần hết sức khẩn trương, gấp rút chuẩn bị hồ sơ để đảm bảo thời gian luật định, đảm bảo chất lượng các dự án luật", đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát lại cả nội dung lẫn thứ tự xem xét, thảo luận các vấn đề trong chương trình nghị sự kỳ họp. Chẳng hạn, theo ông, Luật Tổ chức Quốc hội cần được ưu tiên xem xét trước để làm cơ sở bàn bạc việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích thêm, thời gian của kỳ họp bất thường không dài, nên để đạt mục tiêu đề ra cần có thứ tự ưu tiên lựa chọn các nội dung rất kỹ, đặc biệt là các nội dung. Với tinh thần đó, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có thể chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Ông Hoàng Thanh Tùng gợi ý tổ chức kỳ họp bất thường thành 2 đợt, giữa 2 đợt có 5-6 ngày để tiếp thu, hoàn thiện nội dung các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng cho biết, hiện Ủy ban này chưa nhận được hồ sơ hay thông tin nào về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án luật này có thể chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chưa phải vấn đề cấp thiết.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bao gồm:
(1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội
(2) Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
(3) Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
(4) Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026
(5) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI
(6) Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy
(7) Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
ANH PHƯƠNG