Kỳ họp của kiến tạo, làm mới bộ máy

Kỳ họp của kiến tạo, làm mới bộ máy
5 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng):
Khi có vấn đề thực tiễn phát sinh, Quốc hội họp ngay để giải quyết
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, với khối lượng công tác lập pháp rất lớn, trọng tâm nhằm phục vụ cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18- NQ/TW của Trung ương.
ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng)
Cùng với đó, Quốc hội cũng xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng và cấp bách khác do Chính phủ trình, nhằm kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh việc triển khai một số dự án, công trình.
Có thể thấy, các nội dung trong chương trình kỳ họp bất thường lần này đều là những vấn đề rất cấp bách, rất khó, nhưng “không thể không làm” và “không thể làm chậm hơn” vì sự phát triển của đất nước, như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua theo quy trình thủ tục rút gọn 4 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền, cho thấy một tinh thần làm việc rất trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt, tinh thần đồng hành của Quốc hội trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ chín cũng thể hiện sâu sắc tinh thần khi có vấn đề thực tiễn phát sinh thì Quốc hội họp ngay để giải quyết.
Các nội dung đề ra trong chương trình đặt ra yêu cầu rất gấp về tiến độ, áp lực về thời gian, nhiều nội dung khó, phức tạp song vẫn phải bảo đảm chất lượng cao, nhất đối với mỗi quyết sách mà Quốc hội đưa ra. Chính vì lẽ đó, từng đại biểu Quốc hội cần phát huy tinh thần trách nhiệm rất cao tại kỳ họp này.
Liên quan đến công tác lập pháp, bên cạnh các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) nhằm thực hiện chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, lấy hiệu quả làm mục tiêu cao nhất, đồng thời bảo đảm sự linh hoạt, ngắn gọn, đúng nguyên tắc trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với những nội dung rất quan trọng được trình Quốc hội xem xét, quyết định lần này, tôi kỳ vọng những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ chín sẽ tạo khuôn khổ pháp lý, tiền đề quan trọng cho những bước phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình):
Khẩn trương, trách nhiệm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp
Kỳ họp bất thường lần thứ chín có thể gọi là kỳ họp của kiến tạo, làm mới bộ máy. Bởi lẽ, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hàng loạt luật, nghị quyết về tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đúng tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", qua đó tiếp thêm sinh khí để từ đây bộ máy nhà nước sẽ vận động với tốc độ mới, bảo đảm cho quá trình phát triển mới sắp tới của đất nước.
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình)
Theo dự kiến, Kỳ họp này sẽ xem xét thông qua 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp, hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị; xem xét quyết định 4 nội dung khác thuộc thẩm quyền, trong đó có nội dung về công tác nhân sự... Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị gấp rút, trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
Tôi đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành đã làm việc khẩn trương, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thời gian qua. Nhờ vậy, dù yêu cầu gấp về tiến độ, áp lực về thời gian, nhiều nội dung khó, phức tạp, song chất lượng của các dự thảo luật, nghị quyết đều cơ bản đạt yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần này.
Tôi tin tưởng với việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức (Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội), cơ cấu bộ máy Nhà nước từ Quốc hội đến Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương… sẽ có những chuyển biến vượt bậc. Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trước đây có 173 điều, sau khi sửa đổi còn 72 điều, giảm 101 điều, tương đương 58,38% tổng số điều của luật) sẽ cho phép bộ máy của chúng ta vận hành linh hoạt, trơn tru hơn rất nhiều.
Kỳ họp diễn ra khi chúng ta đang gấp rút thực hiện những mục tiêu cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, đề ra đưa ra những mục tiêu của Đại hội XIV của Đảng sắp tới. Trong bối cảnh Trung ương và địa phương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW sắp xếp bộ máy từ Trung ương đến địa phương, trong bối cảnh mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta đang sống trong những thời khắc lịch sử, khi cả hệ thống chính trị sẽ được may “chiếc áo mới” phù hợp với "cơ thể Phù Đổng" đang lớn mạnh không ngừng.
Trên tinh thần này, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đang nghiêm túc nghiên cứu các dự thảo luật, nghị quyết để bảo đảm tham gia ý kiến một cách trách nhiệm, chất lượng vào các dự thảo, đóng góp vào thành công chung của kỳ họp.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Các dự thảo luật cho thấy rõ sự đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật
Kỳ họp bất thường lần thứ chín có khối lượng công việc dự kiến rất lớn và đều là những nội dung quan trọng gồm công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác nhân sự.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)
Trong đó, công tác lập pháp vẫn là trọng tâm với việc sửa đổi một loạt các luật có liên quan đến tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng các nghị quyết có liên quan. Để sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta phải bắt đầu từ khâu lập pháp, nghĩa là phải sửa đổi các quy định có liên quan mà đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp.
Cùng với việc sửa đổi cơ cấu, tổ chức bộ máy của một số cơ quan thì cũng rất cấp thiết phải sửa đổi, hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì công tác này liên quan mật thiết đến hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan dân cử ở địa phương. Các dự thảo luật trình Quốc hội lần này cũng đã cho thấy sự đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Để phục vụ cho kỳ họp, với khoảng thời gian không nhiều, song, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc hết sức tích cực, khẩn trương, quyết liệt, đặc biệt là trong khâu chuẩn bị để sắp xếp lại tổ chức bộ máy; làm việc không quản ngày đêm, kể cả ngày nghỉ hay trong kỳ nghỉ lễ, thể hiện rõ nét tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Tính đến thời điểm này, tôi cho rằng, công tác chuẩn bị cho Kỳ họp đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm chu đáo về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, khánh tiết...
Với ý nghĩa cấp thiết, quan trọng của Kỳ họp, tôi tin tưởng, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm thế sẵn sàng, ngay sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, các cơ quan, bộ, ngành thuộc diện sắp xếp và các công tác liên quan sẽ đi vào hoạt động ngay một cách hiệu quả, thông suốt.
Thanh Hải - Thanh Chi - Minh Trang thực hiện
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ky-hop-cua-kien-tao-lam-moi-bo-may-post404199.html