Kỳ họp lịch sử tại Quảng Bình trước khi hợp nhất với Quảng Trị

Kỳ họp lịch sử tại Quảng Bình trước khi hợp nhất với Quảng Trị
8 giờ trướcBài gốc
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua các nội dung mang tính lịch sử
Ngày 25-4, kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng, liên quan việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chủ trương hợp nhất toàn bộ địa giới, dân số tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị để thành lập tỉnh mới.
Theo thông tin từ kỳ họp, tất cả đại biểu đều thống nhất thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng phục vụ người dân.
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương sắp xếp toàn bộ diện tích và dân số hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị để thành lập một tỉnh mới mang tên Quảng Trị. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới đặt tại TP Đồng Hới (Quảng Bình hiện nay).
Các đại biểu dự kỳ họp
Tỉnh Quảng Trị mới sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số hơn 1,84 triệu người. Tỷ lệ đại biểu tán thành nghị quyết này đạt 100%.
Theo đề án sắp xếp, toàn tỉnh Quảng Bình sẽ còn lại 41 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 xã và 5 phường, sau khi sắp xếp các xã nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn. TP Đồng Hới được tổ chức lại thành 3 phường: Đồng Hới, Đồng Thuận, Đồng Sơn.
Tại thị xã Ba Đồn, đơn vị hành chính mới gồm 4 xã, phường: phường Ba Đồn, phường Bắc Gianh, xã Nam Gianh và xã Nam Ba Đồn.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Bình sẽ không còn xã nào mang tên Quảng Bình. Thay vào đó, nhiều địa danh lịch sử, văn hóa được giữ lại trong tên gọi các đơn vị hành chính như: phường Đồng Hới, xã Lệ Thủy, xã Tuyên Hóa, xã Minh Hóa, xã Quảng Trạch, xã Quảng Ninh, xã Phong Nha…
Đến thời điểm hiện tại, 38/41 xã sau sắp xếp đạt đầy đủ các tiêu chuẩn. Ba xã còn lại gồm Thượng Trạch, Tuyên Sơn và Tân Thành chưa đạt do yếu tố đặc thù.
Trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lấy ý kiến cử tri rộng rãi tại tất cả xã, phường dự kiến sắp xếp. Kết quả, 143/144 đơn vị có tỷ lệ cử tri đồng ý từ 50% trở lên, trong đó 132 đơn vị đạt mức trên 90%. Không có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đề án.
Kiến nghị cơ chế đặc thù cho tỉnh mới sau sáp nhập
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị Trung ương tích hợp quy hoạch tỉnh của Quảng Bình và Quảng Trị thành một quy hoạch tổng thể, đảm bảo phân bổ nguồn lực hợp lý, phát triển hài hòa giữa các vùng.
Ngoài ra, địa phương đề xuất tiếp tục duy trì một số cơ quan, đơn vị làm việc tại trụ sở cũ để giảm áp lực chi phí đi lại, thuê nhà và ổn định đời sống cán bộ công chức trong thời gian chuyển tiếp.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương cho phép nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính - chính trị mới, đặt tại vị trí phù hợp nếu đủ điều kiện.
Quảng Bình cũng kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các tỉnh sau sáp nhập, nhất là các chính sách về cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ cán bộ bị ảnh hưởng, đầu tư trụ sở làm việc và hệ thống giao thông
Nhiều cán bộ, công chức đang đối mặt với khó khăn về nhà ở, sinh hoạt, chi phí đi lại, đặc biệt là những người buộc phải chuyển công tác xa nơi cư trú. Do đó, tỉnh nhấn mạnh việc ban hành chính sách đồng bộ, kịp thời, công bằng giữa các vùng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tâm lý và hiệu quả công tác trong thời gian tới.
HOÀNG PHÚC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/ky-hop-lich-su-tai-quang-binh-truoc-khi-hop-nhat-voi-quang-tri-196250425124905811.htm