Gỡ vướng bộ máy và hạ tầng cấp xã
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh nhấn mạnh, sau sáp nhập xã và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, một số địa phương gặp khó khăn rõ nét trong bố trí cán bộ, cơ sở vật chất và quản lý vận hành. Đại biểu Hồ Huy Thành đề nghị tỉnh sớm bố trí đủ cán bộ chuyên môn cho các xã thiếu hụt, nhất là giáo viên vùng thượng Kỳ Anh; đồng thời, phân định rõ thẩm quyền giữa tỉnh và xã để bảo đảm hiệu quả điều hành… Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, tích tụ đất đai… đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp trong bối cảnh chính quyền hai cấp; ban hành các chính sách mới cho giai đoạn 2021 - 2026, đặc biệt với các xã khó khăn, để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển.
Kỳ họp thứ 30, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII. Ảnh: Xuân Hoa
Đại biểu Thái Văn Sinh cũng bày tỏ lo ngại về khối lượng công việc tại cấp xã tăng đột biến sau sáp nhập, trong khi nhiều đơn vị thiếu nhân lực chuyên môn sâu, hạ tầng CNTT chưa đồng bộ. Do đó, đề nghị tỉnh có giải pháp căn cơ, đồng thời tăng cường chỉ đạo để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống.
Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Hoa nêu rõ thực trạng: nhiều xã hiện nay phải bố trí làm việc tại 2 - 3 địa điểm; nhiều trụ sở đã xuống cấp, thiếu nước sạch sinh hoạt, điều kiện làm việc và tiếp công dân không bảo đảm… Đại biểu đề nghị tỉnh sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng trụ sở làm việc tập trung, cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt tối thiểu cho cán bộ cơ sở; đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về cơ cấu tổ chức bộ máy sau hợp nhất; rà soát, bố trí lại cán bộ, ưu tiên bổ sung các vị trí thiết yếu và sớm quy định định biên, chức danh phù hợp.
Đại biểu Võ Thị Hồng Minh nhấn mạnh: để vận hành hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp, tỉnh cần sớm cân đối, bố trí hài hòa công chức giữa các xã và từng lĩnh vực; có cơ chế phân bổ kinh phí hợp lý, ưu tiên các xã có diện tích lớn, thu nhập thấp, địa bàn khó khăn.
Đại biểu Phạm Xuân Phú đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản và quy định để tổ chức, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được thuận lợi, thông suốt. Theo đại biểu, cần phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các sở, ban, ngành trong hướng dẫn triển khai cho cấp xã; đồng thời, bổ sung nguồn lực tài chính, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số nhằm thúc đẩy hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Chủ động quy hoạch, liên kết vùng để thúc đẩy tăng trưởng
Cùng với nhóm vấn đề về tổ chức bộ máy và điều kiện làm việc tại cấp cơ sở, các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhóm nội dung về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với xây dựng đô thị công nghiệp hiện đại, thông minh và xanh.
Đại biểu Võ Thị Hồng Minh đề xuất nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực nông nghiệp, như: tỉnh cần rà soát, sửa đổi các chính sách nông nghiệp đã ban hành; ưu tiên các chính sách hỗ trợ về giống, đặc biệt là đánh giá hiệu quả nhóm cây có múi, phát triển rau màu theo hướng liên kết - đặt hàng và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất; ban hành hướng dẫn cụ thể để triển khai đồng bộ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo động lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% trong năm 2025.
Liên quan đến chiến lược phát triển vùng, đại biểu Lê Thành Đông kiến nghị tỉnh sớm có hướng dẫn và bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường GPMB cho đường sắt tốc độ cao, xác định vùng kinh tế liên xã; hỗ trợ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất cho các địa phương có công trình đang triển khai dở dang, cần trả nợ xây dựng cơ bản… Đặc biệt, tỉnh cần sớm thành lập cụm công nghiệp Cổng Khánh 3, phê duyệt quy hoạch phân khu KCN Bắc Hồng Lĩnh và triển khai các bước tiếp theo; tập trung thu hút đầu tư vào Cổng Khánh 1 và 2 để tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Lê Trung Phước nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác quy hoạch trong thu hút đầu tư chiến lược. Theo đại biểu, tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy hoạch phù hợp với Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở mời gọi nhà đầu tư; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp; ưu tiên nguồn lực xây dựng quỹ đất tái định cư, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư trước một bước; phát triển các khu đô thị, dịch vụ, hướng tới xây dựng đô thị công nghiệp thông minh - xanh.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn đề xuất Hà Tĩnh cần có quyết sách táo bạo, nâng cấp toàn diện KKT Vũng Áng, để đưa Hà Tĩnh bứt phá mạnh mẽ hơn.
Diệp Anh