Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp sáng 1/11/2024. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Ngay sau Kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, xây dựng dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý.
Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm nội dung mới chưa được quy định trong Luật hiện hành, gồm: quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; quy định áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành.
Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy còn diễn biến phức tạp, khi cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, trong khi đó Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ xảy ra. Dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng xác định cụ thể các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm lối thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
Để khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay khi Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; dự Luật bổ sung quy định kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo hướng xác định cụ thể đối tượng, nội dung, phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra (Điều 57 dự thảo Luật), qua đó, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đang giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành; tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, dự Luật bổ sung các quy định mới, tạo cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm tính khả thi.
Buổi chiều, đại biểu Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 và thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Chu Thanh Vân/TTXVN