Các đại biểu tham gia thảo luận Tổ.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, trong phiên thảo luận Tổ, dưới sự điều hành của đồng chí Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ.
Phát biểu tại Tổ, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về việc bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình, kết quả những tháng đầu năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn, song kết quả đạt được cho cả năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 cũng đã phản ánh sự nỗ lực, sự bứt phá của đất nước trong một bối cảnh bất định khó lường
Về kết quả, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung thêm 2 kết quả quan trọng, đó là Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tổ chức Đại lễ Vesak lần thứ 4 tại Việt Nam. Tổ chức thành công 2 sự kiện này cũng khẳng định đây là một trong những thước đo cho niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy, làm mới các động lực truyền thống cần phải khai thác có hiệu quả những động lực mới. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công; nâng cao hiệu quả hiệu suất đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, để có những động lực tăng trưởng mới, vấn đề cốt lõi là nguồn nhân lực. Muốn chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số thì con người vẫn là gốc của những động lực mới. Vì vậy, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời quan tâm chỉnh đốn và đổi mới giáo dục, nhất là các hoạt động ngoài giờ mà vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội trong trường học cần phải tiếp tục quan tâm và đổi mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu và có quan điểm chỉ đạo về mô hình hoạt động của Trung tâm y tế cấp huyện, Trạm y tế cấp xã khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ.
Quan tâm tới tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và thống nhất với các nhận định của báo cáo thẩm tra đã trình bày trước Quốc hội. Trong đó khẳng định những nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ.
Chỉ ra 5 điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm 2025; đồng tình với những hạn chế mà Chính phủ đã chỉ ra trong báo cáo, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn đối với những rủi ro, thách thức trong thời gian tới để trên cơ sở đó xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp, khả thi và đem lại kết quả.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, đại biểu đề xuất cần tập trung cao nhất triển khai chủ trương đột phá thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, điều chỉnh địa giới hành chính, chống lãng phí và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có những giải pháp để thực hiện thành công và thực chất mục tiêu đã đề ra, đó là loại bỏ ít nhất 30% thủ tục hành chính không cần thiết, giảm 30% chi phí tuân thủ và 30% thời gian xử lý công việc hành chính, tạo đột phá về môi trường đầu tư kinh doanh, vừa tháo gỡ rào cản, vừa kiến tạo và thu hút đầu tư mới phát triển nhanh.
Chú trọng hơn nữa các biện pháp để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên các lĩnh vực và đặc biệt là phải có những kịch bản và những phương án để tiến hành đàm phán với Mỹ về vấn đề giảm thuế đối ứng, mục tiêu lý tưởng nhất là đạt được được mức thuế đối ứng giảm xuống 20-25%. Tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ đồng bộ và quyết liệt hơn trong việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời khai thác tốt hơn động lực tăng trưởng mới.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Mai Lan