Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: 'Đảm bảo vừa đổi mới, vừa giữ gìn bản sắc'

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: 'Đảm bảo vừa đổi mới, vừa giữ gìn bản sắc'
5 giờ trướcBài gốc
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào sáng ngày mai 5/5/2025, bế mạc chiều ngày 28/6/2025 và được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5/2025 - 29/5/2025; Đợt 2: từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025.
Tại Kỳ họp này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung (3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước).
Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để ĐBQH nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 9 tới đây là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ về quy mô thời gian và nội dung mà còn mang ý nghĩa chính trị - pháp lý rất lớn, đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, thể chế và tư duy phát triển quốc gia.
Chia sẻ những kỳ vọng trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp này là một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trên phương diện lập pháp, mà còn trên phương diện khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội.
Kỳ họp này diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 11 – một hội nghị then chốt, đã bàn bạc, thống nhất những quyết sách lớn liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đổi mới hệ thống chính trị, sáp nhập các đơn vị hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đây là những vấn đề không chỉ có ý nghĩa về quản lý Nhà nước mà còn tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, đến sự phát triển bền vững của đất nước.
"Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi kỳ vọng Quốc hội lần này sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến để thể chế hóa các chủ trương lớn đó thành những quy định pháp luật khả thi, nhất quán, phù hợp với thực tiễn, tránh xáo trộn đời sống xã hội, đảm bảo vừa đổi mới, vừa giữ gìn bản sắc, vừa ổn định, vừa phát triển", ĐBQH Bùi Hoài Sơn nói.
Theo đại biểu, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt, những bất định về kinh tế, địa chính trị, môi trường an ninh phi truyền thống… Quốc hội cần thể hiện rõ vai trò "chủ thể" trong việc hoạch định chính sách, giám sát quyền lực, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia.
Cử tri đang chờ đợi những quyết sách về kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ, quốc phòng – an ninh… mà ở đó, chất lượng sống của người dân phải được đặt ở vị trí trung tâm, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân, phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đặc biệt, với những thảo luận về các dự án luật, đại biểu Sơn kỳ vọng Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lập pháp, tránh tình trạng luật chồng chéo; tăng cường phản biện xã hội, tiếp thu ý kiến cử tri, chuyên gia. Đây cũng là dịp để Quốc hội thể hiện tinh thần đổi mới, hành động vì dân, vì nước, vì tương lai dân tộc.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, chúng ta đang trong những giờ khắc đặc biệt của đất nước, nhất là trong những ngày tháng lịch sử, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ông cảm thấy rõ ràng hơn bao giờ hết niềm tự hào được là một phần của cơ quan quyền lực cao nhất, nơi gánh trên vai sứ mệnh lịch sử: Quyết định những vấn đề then chốt, kiến tạo tương lai.
"Trong những ngày chuẩn bị kỳ họp, tôi đã lắng nghe rất nhiều ý kiến từ cử tri – những mong mỏi giản dị mà sâu sắc: Làm sao để bộ máy nhẹ gọn mà hiệu quả, để người dân không bị phiền hà khi sáp nhập địa phương, để giáo dục con cháu tốt hơn, để bệnh viện không quá tải, để đồng bào vùng sâu không bị bỏ lại phía sau…
Tôi tin rằng, kỳ họp này sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần mà Hội nghị Trung ương 11 đã khởi xướng tinh thần cải cách mạnh mẽ, đổi mới quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết", đại biểu nói.
Quốc hội sẽ là diễn đàn lớn, không chỉ bàn chuyện hôm nay mà còn khởi tạo những nền tảng bền vững cho mai sau.
"Tôi kỳ vọng vào một Quốc hội đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới và hành động; một Quốc hội của niềm tin, của khát vọng, của nhân dân", đại biểu chia sẻ.
Sửa Hiến pháp kỳ vọng đạt được ba mục tiêu lớn
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa Hiến pháp, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, Hiến pháp không chỉ là đạo luật cơ bản của đất nước mà còn là tuyên ngôn chính trị, là bản khế ước tối cao giữa Nhà nước và nhân dân, phản ánh khát vọng, ý chí, giá trị nền tảng của quốc gia. Vì thế, bất kỳ lần sửa đổi nào cũng phải được cân nhắc thận trọng, khoa học, dân chủ và đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết.
Với tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu nhìn nhận lần sửa đổi này trong một bối cảnh rất đặc biệt. Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu chưa từng có: cải cách thể chế mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn, đồng thời đối diện với những thách thức toàn cầu phức tạp.
"Hiến pháp chính là nền tảng tối cao để dẫn dắt, điều chỉnh, tạo khung khổ ổn định cho mọi đổi mới, mọi tiến trình phát triển ấy", đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào sáng ngày 5/5/2025 (Ảnh: Media Quốc hội).
Ông kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ đạt được ba mục tiêu lớn: Thứ nhất, bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển.
Thứ ba, mở rộng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo đảm mọi thay đổi đều vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
"Tôi cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thực chất, hiệu quả từ nhân dân, giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, giới trẻ… để bản sửa đổi Hiến pháp không chỉ là kết tinh của trí tuệ lãnh đạo mà còn là kết tinh của trí tuệ toàn dân. Càng thấm nhuần tinh thần "ý Đảng, lòng dân" thì bản Hiến pháp càng vững bền, càng có sức sống lâu dài", đại biểu bày tỏ.
Đặc biệt, ông cũng kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ mạnh dạn rà soát những quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn đổi mới, sáp nhập đơn vị hành chính, thúc đẩy phân quyền, phân cấp, hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh giám sát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây không chỉ là kỹ thuật lập hiến mà là sự trả lời một cách mạnh mẽ, quyết liệt trước đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân vào một Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động vì dân.
Có thể nói, lần sửa đổi Hiến pháp này mang ý nghĩa lịch sử, là cơ hội để chúng ta tạo dựng một khuôn khổ pháp lý tiên tiến, bền vững, phù hợp với tầm vóc, khát vọng của dân tộc Việt Nam trên con đường hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Tôi rất kỳ vọng, các đại biểu Quốc hội, với trọng trách trước nhân dân, sẽ cùng nhau làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bản lĩnh, trí tuệ, cẩn trọng nhưng không né tránh đổi mới, để trao cho đất nước một bản Hiến pháp xứng đáng với niềm tin và khát vọng của thời đại", đại biểu Sơn chia sẻ.
Còn ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) kỳ vọng kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ là một dấu mốc lịch sử với những quyết sách quan trọng được thông qua.
Theo ông, từ các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị đến sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là các nghị quyết của Quốc hội, mỗi đại biểu cần phát huy tối đa trí tuệ, trách nhiệm để đóng góp những ý kiến thiết thực, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.
"Chúng ta phải nỗ lực bám sát các nội dung trình tại kỳ họp lần này, làm sao để kỳ họp đạt hiệu quả và kết quả cao nhất. Tinh thần là "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải hết sức cố gắng, phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể để quyết định những vấn đề hệ trọng, đặc biệt là sửa đổi Hiến pháp và các luật tổ chức liên quan", ông Nguyễn Tạo nhấn mạnh.
Về việc kỳ họp chia làm hai đợt, đại biểu Đoàn Lâm Đồng đánh giá cách sắp xếp này là hợp lý và khoa học, góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng của kỳ họp.
Hoàng Thị Bích
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-dam-bao-vua-doi-moi-vua-giu-gin-ban-sac-204250503101925462.htm