Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 5/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
*Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực
Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Theo đó, kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Bên cạnh đó, ba đột phá chiến lược được tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. An sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân được bảo đảm với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
"Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được “trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%.
Cùng với đó, cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội, thể dục thể thao.
Theo Thủ tướng Chính phủ, các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng được nâng lên. Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
*Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp
Chính phủ nhận định, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế. Ảnh: TTXVN
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Cụ thể, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch; quyết liệt thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Đặc biệt, chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng thời, tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa cao.
Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các đường cao tốc Đông - Tây...
*Phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới
Các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân… Bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025 - 2026; tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân. Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên trên tất cả các ngành, lĩnh vực
Bên cạnh đó, phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ; kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt...
"Trước bối cảnh thế giới đầy biến động và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, khát vọng đổi mới, với tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực vươn lên để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021 - 2025, thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phan Phương/TTXVN