Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật, song đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, qua nghiên cứu, đại biểu thấy Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam (Điều 2).
“Quy định này được hiểu là tổ chức, cá nhân của Việt Nam ở nước ngoài hay tổ chức, cá nhân là người nước ngoài có liên quan đến hoạt động công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam”, đại biểu nêu ý kiến.
Cũng về vấn đề này, theo đại biểu Trần Văn Tiến, tại Điều 18 của dự thảo Luật quy định nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chí theo quy định. “Cần xác định lại phạm vi đối tượng được áp dụng trong dự thảo Luật”, đại biểu Trần Văn Tiến thảo luận.
Về quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số, theo đại biểu đoàn Vĩnh Phúc, điểm f khoản 1 điều 5 của dự thảo Luật quy định “cấp, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số”. Đại biểu cho rằng, cần ghi cụ thể hơn tại dự thảo của Luật hoặc giao cho Chính phủ quy định trường hợp nào tạm đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số; trường hợp nào đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số. Thời hạn tạm đình chỉ, đỉnh chỉ là bao nhiêu lâu cũng cần làm rõ. Trường hợp nào là thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số.
Đối với điểm b, khoản 2 của dự thảo Luật quy định Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số, theo ý kiến của đại biểu Trần Văn Tiến: “Cần cụ thể, đầy đủ trách nhiệm đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về công nghiệp công nghệ số. Có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 điều này”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đánh giá cao việc dự thảo Luật dành riêng một mục để quy định về phát triển bền vững. Đại biểu cho rằng, các nội dung đã thể hiện sự quan tâm đúng mức đến việc giảm thiểu tác động môi trường, phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, cần bổ sung chính sách vượt trội hơn, khuyến khích đầu tư công nghệ xanh và đẩy nhanh thu hồi, xử lý thiết bị công nghệ hết hạn sử dụng để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh: Việc luật hóa trách nhiệm thu hồi, tái chế là cần thiết, vì sản phẩm công nghệ sau sử dụng có thể còn giá trị, nhưng nếu không xử lý đúng sẽ trở thành chất thải nguy hại. Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề xuất có quy định rõ ràng về quy trình thu hồi và bảo quản các thiết bị này để tránh ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị bổ sung yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường trong nội dung luật, nhằm bảo đảm lợi ích không chỉ cho hiện tại mà cả cho các thế hệ tương lai.
Các ý kiến thảo luận cũng cho thấy sự đồng thuận cao trong việc thúc đẩy công nghiệp công nghệ số phát triển theo hướng bền vững, không chỉ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện và sớm đưa luật vào thực tiễn.
Phó Thủ tướng Chính Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cũng trong chiều 9/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là cơ sở để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật.
Hạnh Quỳnh (TTXVN)