Quang cảnh Họp báo. Ảnh: T. QUỲNH
Xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết
Chiều 4/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Giới thiệu về chương trình, nội dung Kỳ họp, tại Họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc vào ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 05/5 đến ngày 29/5/2025; Đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30/6/2025.
Đây là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 03 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp. Trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến đối với 6 dự án luật.
Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (trong đó có nội dung về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng);
Xem xét Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 (trong đó có báo cáo về các nội dung: việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 05 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí; tình hình triển khai các khoản dự toán chưa phân bổ của ngân sách trung ương đầu năm đã được quy định tại Mục VI, Mục VII, Mục VIII, Mục IX Phụ lục II kèm theo Nghị quyết số 160/2024/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; dự toán thu NSNN trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sau sáp nhập tỉnh; tình hình phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết theo quy định tại khoản 5a Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 56/2024/QH15).
Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 9 Điều 4 của Nghị quyết số 132/2024/QH15 bổ sung dự toán thu NSNN năm 2022 và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022; kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19 của giai đoạn 2020-2022; kết quả xử lý đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác; tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước).
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; Báo cáo về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024; xem xét thông qua Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2026 (nếu có).
Bên cạnh đó, Quốc hội còn dành thời gian xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; xem xét, quyết định về bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC)...
Như thông lệ, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).
Phát biểu tại Họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ giảm từ 2,5 ngày còn 1,5 ngày. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lựa chọn cân nhắc những vấn đề xã hội, nhân dân, cử tri quan tâm để trao đổi với các thành viên Chính phủ. Trong quá trình Kỳ họp diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục họp cho ý kiến nhiều nội dung báo cáo Quốc hội trong đó có chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại Kỳ họp cũng sẽ có 08 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 từ 6/5 - 5/6/2025
Liên quan đến việc xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Vũ Minh Tuấn nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽxem xét, thông qua: Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn giới thiệu về chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: T. QUỲNH
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 02 nhóm nội dung, đó là quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng).
Đồng thời, quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
“Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian 30 ngày, từ 06/5 - 05/6/2025” - ông Vũ Minh Tuấn thông tin.
Đ. KHOA