Một góc thành phố Hoa Lư hôm nay.
Nhắc đến Ninh Bình, không thể không nhắc đến Cố đô Hoa Lư-Kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam vào thế kỷ X. Năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm Kinh đô, khai mở nền chính thống quốc gia, mở đầu một kỷ nguyên mới, phục hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước. Chính vì vậy, Kinh đô Hoa Lư được xem là biểu tượng của tinh thần quật cường, ý chí thống nhất và khát vọng độc lập của dân tộc Việt.
Năm 1.010, Vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thành Đại La (Hà Nội). Hơn 1.000 năm không còn là Kinh đô, song Cố đô Hoa Lư vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, là niềm tự hào, in sâu vào tiềm thức của người dân Ninh Bình để mỗi khi nhắc về quê hương, đều tự hào giới thiệu mình là người Cố đô Hoa Lư!. Tâm thức người Cố đô Hoa Lư được hun đúc qua lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với sự chung sức vun bồi của bao thế hệ người dân Ninh Bình, đã chuyển thành khát vọng xây dựng một thành phố trung tâm tỉnh lỵ xứng tầm, tạo tiền đề trong tương lai không xa đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã kiên trì thực hiện định hướng phát triển “Xanh và bền vững”, lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhiều lần thảo luận, phân tích rất kỹ lưỡng, thống nhất chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 nhằm đảm bảo tính tổng thể trong mục tiêu phát triển của tỉnh, để từng bước hiện thực hóa xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Điểm nổi bật trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 là thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đạt tiêu chí đô thị loại I. Quyết định này không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, mà còn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển.
Điều này được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định trong phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ công bố Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thành lập Đảng bộ thành phố Hoa Lư: “Quá trình thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, với tính chất là đô thị di sản xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố để xứng tầm là trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh, trung tâm của vùng, quốc gia về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, hồi sinh những giá trị thiêng liêng của Cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi”.
Thực tiễn cho thấy, thành phố Ninh Bình lâu nay đóng vai trò là đô thị hạt nhân trung tâm của tỉnh, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa đáp ứng mong chờ đó, bởi thành phố Ninh Bình phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, như: Diện tích tự nhiên chỉ có 46,75 km2, quá nhỏ so với tiêu chuẩn đô thị loại I và so với các trung tâm tỉnh lỵ của các tỉnh khác, gây khó khăn cho phát triển đô thị và hạ tầng. Vì vậy, việc mở rộng quy mô đô thị là yếu tố tất yếu nhằm tạo không gian, dư địa và động lực phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị theo hướng “Xanh và bền vững”.
Trong khi đó, huyện Hoa Lư, mặc dù nằm giữa 2 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, đã có những bước phát triển vượt trội, song mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay đã làm hạn chế khả năng đột phá, chưa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên của huyện. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các danh thắng, di sản văn hóa-lịch sử của vùng đất Cố đô còn nhiều hạn chế…Bởi vậy, khi được gắn kết với thành phố Ninh Bình sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm “đánh thức” tiềm năng, chuyển hóa thành thế mạnh, nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Với vị thế là trung tâm của Cố đô Hoa Lư và sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới-Quần thể Danh thắng Tràng An, thành phố Hoa Lư sau khi được thành lập hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một đô thị di sản riêng có, độc đáo, tạo tiền đề để thành phố thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm.
Việc thành lập thành phố Hoa Lư có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa vị thế chiến lược trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân trên địa bàn. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung, thành phố Hoa Lư nói riêng. Nhân dân rất phấn khởi, đồng tình rất cao, đã có 99,45% cử tri thành phố Ninh Bình và 97,89% cử tri huyện Hoa Lư tán thành việc thành lập thành phố Hoa Lư trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Bà Đồng Thị Thu, cử tri phường Nam Bình phấn khởi cho biết: Tôi rất đồng tình với tên gọi thành phố Hoa Lư được lựa chọn để đặt cho thành phố mới, điều này mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thể hiện sự tôn trọng đối với di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Tôi kỳ vọng thành phố Hoa Lư sẽ ngày càng phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, mang lại nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống người dân.
Đánh giá về phương án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Trình tự xây dựng lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Ninh Bình được triển khai thực hiện đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân trong tỉnh và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao của cử tri, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thành lập thành phố Hoa Lư là đô thị loại I trực thuộc tỉnh trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là sự quyết tâm, nỗ lực rất cao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Sự hợp nhất này không chỉ là tiếp nối một quá trình lịch sử lâu đời của vùng đất với nhiều lần chia tách, hợp nhất, mà còn thể hiện tư duy, tầm nhìn đột phá, vượt trội của tỉnh Ninh Bình.
Ngày 1/1/2025, thành phố Hoa Lư chính thức đi vào hoạt động đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình hiện thực hóa khát vọng về một đô thị di sản, văn minh, hiện đại, xứng tầm với vị thế lịch sử và tiềm năng phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt, để “Hoa Lư đô thị Hán Trường An” từ nghìn năm trước được tái hiện trong một diện mạo mới, qua đó nâng tầm vị thế của Cố đô Hoa Lư trên bản đồ Việt Nam và thế giới.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc