Kỳ kiểm tra cuối học kỳ I: Cần tạo tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái cho học sinh

Kỳ kiểm tra cuối học kỳ I: Cần tạo tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái cho học sinh
2 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho trong giờ học.
Mục tiêu của kỳ kiểm tra này được xác định nhằm đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; đồng thời, đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Môn Tiếng Việt có 2 bài kiểm tra là đọc và viết. Đối với phần kiểm tra đọc bao gồm: Đọc thành tiếng và đọc hiểu.
Với kiểm tra viết bao gồm: Viết chính tả (8 điểm), bài tập chính tả (2 điểm) và tập làm văn (10 điểm). Riêng đối với khối lớp 4, khối 5, không kiểm tra bài viết chính tả và bài tập chính tả. Biểu điểm bài kiểm tra viết bao gồm 2 nội dung: Tập làm văn (8 điểm) và chính tả (2 điểm).
Với môn Toán, bài kiểm tra cần có sự kết hợp 2 hình thức: Bài tập trắc nghiệm và bài tập tự luận. Môn Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, biểu điểm đề kiểm tra bao gồm: Lịch sử (5 điểm) và Địa lý (5 điểm). Đối với môn Tiếng Anh, kiểm tra phải đảm bảo đầy đủ các kỹ năng. Riêng với môn Tin học và Công nghệ, đề kiểm tra bao gồm: Lý thuyết và thực hành.
Đối với bậc THCS, THPT, đề kiểm tra sẽ áp dụng theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các trường đánh giá học sinh bằng nhận xét kết quả học tập đạt hay chưa đạt các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…
Những môn học còn lại như: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Khoa học tự nhiên… thực hiện đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Đề thi các môn phải có ma trận đề, kết cấu tỷ lệ điểm theo hướng nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; đồng thời, không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng mà học sinh đang học.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, khoảng 2 năm trở lại đây, về hình thức từ khi áp dụng chương trình mới thì các bài kiểm tra không thay đổi nhiều, vẫn là tự luận hay trắc nghiệm hoặc tự luận kết hợp trắc nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề khi soạn đề kiểm tra là giáo viên phải biết cách đánh giá bao quát học sinh, kiểm tra kỹ năng, cách ứng dụng kiến thức của học sinh thay vì đơn thuần kiến thức như trước.
Chẳng hạn, với môn Ngữ văn, đề kiểm tra sẽ tránh dùng những văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề. Thay vào đó sẽ tập trung vào xây dựng, thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới…
Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, trước kỳ kiểm tra cuối kỳ, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đã lưu ý các trường thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Kiểm tra học kỳ là đợt để đánh giá kết quả giáo dục học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Và quan trọng hơn đối với các em học sinh cuối cấp, đây được xem là đợt “tập dượt” khá quan trọng để các em có thể rèn luyện cho các kỳ thi quan trọng trong năm 2025.
Theo Giám đốc Sở gd-đT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí, sắp tới đây, học sinh sẽ thực hiện bài kiểm tra học kỳ I của năm học 2024 - 2025. Với từng bậc học cụ thể, Sở đã có hướng dẫn về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá trên tinh thần nghiêm túc, khách quan, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh.
ĐỖ PHI
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/giao-duc/202412/ky-kiem-tra-cuoi-hoc-ky-i-can-tao-tam-the-nhe-nhang-thoai-mai-cho-hoc-sinh-1029939/