Kỷ luật học sinh đổi chiều: 'Mềm' để 'giữ'

Kỷ luật học sinh đổi chiều: 'Mềm' để 'giữ'
5 giờ trướcBài gốc
Thêm một thông điệp “nhân văn”
Trong dòng chảy chuyển động của ngành giáo dục, mỗi thay đổi trong chính sách đều mang theo kỳ vọng và cả những trăn trở. Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật học sinh, đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến từ ngày 6/5 đến 6/7/2025, là một minh chứng cho điều đó. Với tinh thần nhân văn, bản dự thảo này được kỳ vọng không chỉ thay thế Thông tư 08 ban hành năm 1988, đã tồn tại suốt gần bốn thập kỷ qua, mà còn kiến tạo một hệ thống kỷ luật phù hợp hơn với thực tiễn giáo dục hiện đại.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo là các quy định trong Điều 13 và 15 liên quan đến các biện pháp kỷ luật học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được tinh giản từ 5 mức xuống còn 3 mức nhẹ nhàng hơn.
Theo đó, nếu Thông tư 08 cũ có 5 hình thức kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học 1 tuần, đình chỉ 1 năm, thì dự thảo thông tư mới chỉ còn: Nhắc nhở, phê bình và viết bản tự kiểm điểm. Việc loại bỏ hình thức đình chỉ học vốn từng được coi là “liều thuốc mạnh” cho thấy sự dịch chuyển từ tư duy trừng phạt sang tư duy giáo dục cảm hóa.
Việc bỏ hình thức kỷ luật học sinh được xem là phù hợp với tinh thần đổi mới tích cực, nhân văn. Ảnh minh họa
Quyết định này được đánh giá là bước đi nhân văn, nhằm giữ học sinh trong môi trường sư phạm, nơi các em còn cơ hội sửa sai, được định hướng và bảo vệ khỏi những cạm bẫy xã hội ngoài cánh cổng trường. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên cán bộ ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý giáo dục, cũng nhìn nhận điều đó như một điểm sáng. Ông cho rằng việc giữ học sinh lại trong trường, duy trì kết nối với thầy cô và bạn bè, là yếu tố thiết yếu để tránh rơi vào tình trạng lạc hướng.
“Mười hai tháng là quãng thời gian quá dài với một học sinh. Các em sẽ mất đi kết nối với trường lớp, thầy cô, bạn bè,… những yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn đạo đức và động lực học tập để sa chân vào những cái xấu, cái tiêu cực khác trong xã hội”, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ với Báo Công Thương.
Đồng quan điểm với tinh thần mềm hóa kỷ luật, song nhiều giáo viên cho rằng, giáo dục học sinh cần có sự đồng hành từ cả nhà trường và gia đình. Cô Bùi Thị Tuyết, đại diện Trung tâm Kỹ năng sống VP Edu, nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của phụ huynh trong quá trình giáo dục. Theo cô, điều các thầy cô cần không phải là “quyền” đình chỉ học sinh, mà là sự phối hợp và chia sẻ trách nhiệm từ phía gia đình. Khi học sinh mắc lỗi, sự sát cánh của cha mẹ sẽ tạo điều kiện để các em nhận diện sai lầm và điều chỉnh hành vi hiệu quả hơn.
Tái định hình lại tư duy giáo dục kỷ luật
Tuy vậy, trong quá trình chuyển đổi, không thể tránh khỏi những lo ngại. Có ý kiến băn khoăn liệu hình thức “viết bản kiểm điểm” có đủ sức răn đe với học sinh trung học phổ thông, những học sinh đang tiệm cận ngưỡng cửa trưởng thành và đang trên hành trình định hình nhận thức và trách nhiệm.
Giáo dục là để cảm hóa học sinh, chứ không phải để trừng phạt. Ảnh: Tuấn Minh
Ở góc độ chuyên sâu hơn, TS. Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, một trong những người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục học sinh cá biệt lại nhìn nhận vấn đề một cách dung hòa. Ngôi trường mà ông lập nên từ năm 1989, chỉ một năm sau khi Thông tư 08 ra đời đã từng là nơi tiếp nhận hàng trăm học sinh bị đuổi học từ các nơi khác. “Không nhận thì các em đi đâu? Nhưng không phải chỉ nhận, mà phải nghĩ cách để giáo dục các em nên người”, ông Lâm chia sẻ với báo chí.
Ông cho rằng, học sinh vi phạm là chuyện thường tình. Quan trọng là giúp các em nhìn lại bản thân, tự soi chiếu hành vi, học cách chịu trách nhiệm. Nếu lỗi vi phạm nghiêm trọng, có thể cho học sinh “tạm dừng học” tối đa hai ngày, nhưng vẫn đến trường để làm rõ vấn đề, cùng thầy cô tìm giải pháp khắc phục, thậm chí tham gia lao động công ích như một cách thể hiện trách nhiệm cá nhân. “Tách học sinh khỏi hoạt động học 1 - 2 ngày khác hoàn toàn với việc đuổi học. Chúng ta cần phân biệt rạch ròi”, ông nhấn mạnh.
Đồng thời, TS. Nguyễn Tùng Lâm đề xuất tăng cường các biện pháp giáo dục tích cực. Mỗi lớp học có thể có một bảng nội quy điểm thưởng, phạt rõ ràng. Học sinh làm tốt được cộng điểm, làm sai thì tự trừ điểm và có thể “gỡ điểm” bằng cách làm việc tốt. Đây là một mô hình “tự trị học đường” phù hợp với thế hệ Z vốn đề cao sự công bằng, minh bạch và trao quyền cá nhân.
Từ phía học sinh, những người chịu tác động trực tiếp từ chính sách cũng không thiếu những phản hồi đầy suy tư. Em Phúc Lâm, học sinh lớp 11, tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: “Các hình thức kỷ luật như nhắc nhở, phê bình và viết bản tự kiểm điểm là rất phù hợp, bởi hầu hết hiện nay các thầy cô vẫn đang áp dụng với chúng em”.
Em Anh Thư, học sinh lớp 12 (Vĩnh Phúc) cho rằng, hình thức kỷ luật hiện tại vẫn có giá trị, đặc biệt là với các em học sinh tiểu học. Tuy nhiên, với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, cần những hình thức phù hợp với mức độ vi phạm. “Những vi phạm nghiêm trọng nếu chỉ nhắc nhở thì các bạn sẽ “nhờn”. Khi đó, mời phụ huynh, lao động công ích hay tạm đình chỉ học sẽ giúp các bạn mắc lỗi nhận thức rõ hơn hậu quả hành vi của mình”, Anh Thư nói.
Có thể nói, dự thảo thông tư lần này không đơn thuần là việc giảm hay bỏ những hình thức kỷ luật cũ, mà là nỗ lực để tái định hình lại tư duy giáo dục kỷ luật. Đó không còn là sự cứng rắn để răn đe, mà là sự mềm dẻo để dẫn dắt. Không còn là sự trừng phạt để loại trừ, mà là cảm hóa để bao dung.
Trong bối cảnh học sinh ngày càng cá tính và có nhận thức xã hội mạnh mẽ, ngành giáo dục cần xây dựng một hệ thống kỷ luật linh hoạt, công tâm và trên hết là giàu tình người. Thông tư mới không phải là “sự tháo cương”, mà là “sự mở khóa” cho một cách tiếp cận nhân văn và bền vững hơn với thế hệ học trò hôm nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, mục đích của việc giảm nhẹ hình thức kỷ luật đối với học sinh nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm và tự giác điều chỉnh, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ; đồng thời, hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.
Đảm bảo tính chủ động, tích cực trong thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh. Tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến và đảm bảo lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan cũng như đảm bảo phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, giới tính, thể chất, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ky-luat-hoc-sinh-doi-chieu-mem-de-giu-387263.html