Tối 13/11, tại khai mạc “Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024”, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam
Lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng nhận bằng xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam
Trước đó, tối 11/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings tổ chức“chương trình trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam” tại Quảng trường Bạch Đằng, thành phố Sóc Trăng
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tập hợp, quy tụ 20 dàn ngũ âm cùng khoảng 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tập luyện các tiết tấu, bài bản nâng cao, xây dựng kịch bản chương trình trình diễn loại hình nghệ thuật đặc sắc này
Nhạc Ngũ âm là nét riêng của cộng đồng dân tộc Khmer
Dàn nhạc Ngũ âm chính quy được chia ra làm 2 loại gồm Dàn nhạc trống lớn và dàn nhạc trống nhỏ
...và vẫn được giữ nguyên vẹn các loại nhạc cụ trong biên chế chính thức của từng loại, không được phép thêm bớt bất cứ loại nhạc cụ nào
Về mặt hình thức nhạc cụ, nhạc Ngũ Âm là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da
Về mặt truyền thống, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt Phật giáo trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer
Nhạc Ngũ âm của người Khmer Nam Bộ mang giá trị lịch sử-văn hóa, giá trị tâm linh, đạo đức, giá trị nghệ thuật-thẩm mỹ và sự gắn kết cộng đồng cao
Với giá trị tiêu biểu, Nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Sóc Trăng được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL