Tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức.
Có ý kiến cho rằng thơ ca chưa đáp ứng được yêu cầu của đời sống, thiếu sự truy nguyên ráo riết, dường như không mang lại khát vọng, niềm tin cho con người. Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng sở dĩ có buổi tọa đàm là bởi muốn các nhà thơ cùng nhìn nhận lại ý kiến trên, xem thơ đã vượt lên đời sống hay tụt hậu, lảng tránh một cách vô can.
Một bài thơ hay phải phù hợp với thời cuộc
Nhà thơ Vũ Quần Phương. Ảnh: N.Khôi
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, một bài thơ hay phải phù hợp với thời cuộc. Ông kể lại câu chuyện với nhà thơ Tố Hữu: "Tôi từng hỏi nhà thơ Tố Hữu: Sao anh ít viết thơ tình yêu, có phải vì anh 'làm to' sớm quá, viết thơ tình sợ mất nghiêm? Anh tâm sự: Chắc là không, trong kháng chiến chống Pháp, tôi đang tuổi tìm hiểu, đi chơi với nhau, cũng không muốn đi qua những anh em trong cơ quan - những người đang xa vợ con, làm việc ở chiến khu. Tôi tự thấy ngượng. Vì thế, Tố Hữu đã không làm thơ tình yêu".
Kể lại câu chuyện cụ thể liên quan đến những nhà thơ tiền bối của thi ca cách mạng như: Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi... nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, sự dung hòa giữa trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ rất quan trọng bởi "khi làm tròn trách nhiệm, nhà thơ sẽ chạm vào khát vọng".
Kỷ nguyên mới, thi ca cần rũ bỏ cái gì?
Với nhà thơ Hà Phạm Phú, trách nhiệm xã hội của nhà thơ "phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người". Theo ông, sứ mệnh của thơ là trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau, quan tâm đến mọi đối tượng. Trách nhiệm của nhà thơ là tiên phong và dự báo.
"Vậy bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thi ca cần rũ bỏ cái gì và đứng dậy bằng cái gì trên đường đi tìm tín hiệu rung chuyển của thời cuộc? Phải chăng nền thơ của chúng ta phải rũ bỏ cái tầm thường cả trong sáng tác, cảm thụ và bình giá thi ca?", nhà thơ Khuất Bình Nguyên đặt câu hỏi.
Sau khi nghe 10 tham luận của tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ khẳng định: "Đừng nói gì đến trách nhiệm lớn lao, nhà thơ trước hết phải biết trân trọng những sáng tạo mang tính cá nhân. Ví dụ, bài Con chim chào mào của nhà thơ Mai Văn Phấn gần đây được đưa vào sách giáo khoa như một sự dũng cảm, tìm tòi của các nhà biên soạn.
Tuy nhiên, bài thơ sau đó đã vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận, đặc biệt từ cộng đồng giáo viên. Nhưng phía những người sáng tác, nhiều người có thể giải mã rất cụ thể về bài thơ nhưng đã im lặng. Vì thế, trách nhiệm của nhà thơ, trước hết là cần bày tỏ trách nhiệm bảo vệ các tác phẩm xứng đáng".
Tình Lê