Đòn bẩy tạo kỳ tích cho những con rồng châu Á
Trong hành trình trở thành “con rồng châu Á”, Hàn Quốc đã đặt nền móng phát triển bằng hạ tầng giao thông, tiêu biểu là tuyến cao tốc Gyeongbu nối Seoul và cảng Busan. Dù đối mặt hoài nghi vì chi phí khổng lồ, địa hình phức tạp và thiếu kinh nghiệm, dự án vẫn được hoàn thành sau 2,5 năm – sớm hơn kế hoạch một năm. Tuyến đường dài 428km huy động gần 9 triệu nhân công, chi phí tương đương ¼ GDP năm 1967, kết nối khu vực chiếm 63% dân số và 80% sản lượng công nghiệp cả nước.
Hiện tại, đường cao tốc Gyeongbu vẫn được nhắc đến như biểu tượng cho tinh thần vượt khó, tự cường và niềm tự hào xứ kim chi. Ảnh: JoongAng Ilbo
Tương tự “kỳ tích sông Hàn”, sự trỗi dậy của Singapore, một con rồng châu Á khác cũng từ việc cải thiện, xây dựng hạ tầng quốc gia. Giữa thập niên 1970, thủ tướng Lý Quang Diệu thành lập Temasek Holding, quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore. Temasek đầu tư vào các lĩnh vực mà tư nhân triển khai và vận hành hiệu quả: PSA (cảng biển), SMRT (giao thông công cộng), Singtel (viễn thông)... Chính phủ Singapore giữ vai trò quy hoạch, định hướng dài hạn, các công ty đảm nhận việc thực thi và vận hành. Kết quả, mô hình phát triển “công - tư” giúp hạ tầng phát triển, Singapore vươn lên nằm trong nhóm các quốc gia phát triển nhất châu Á.
Sự trỗi dậy của Singapore, một con rồng châu Á khác cũng từ việc cải thiện, xây dựng hạ tầng quốc gia. Ảnh: istock
Với “phép màu Đài Loan” phát triển hạ tầng là một phần không thể tách rời trong lịch sử phát triển. Từ cao tốc Bắc - Nam đến các khu công nghệ cao, từ cảng biển đến sân bay, Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp hiệu quả với các tập đoàn tư nhân tiếp cận nguồn vốn quốc tế tạo ra bệ phóng cho quá trình công nghiệp và hiện đại hóa. Trong đó, chính phủ luôn đóng vai trò chủ trì kiến tạo, khu vực tư nhân là động lực phát triển.
Kỳ vọng lớn vào sức bật các công trình hạ tầng
Sau dấu mốc Đổi mới cách đây gần 40 năm, Việt Nam tiếp tục bước vào một giai đoạn phát triển mới – được khơi nguồn bằng tư duy đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ghi dấu một bước ngoặt lịch sử về nhận thức phát triển khi lần đầu tiên khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.” Việc chính thức đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm – với vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế – mở ra không gian phát triển chưa từng có cho khối doanh nghiệp tư nhân, đồng thời khơi dậy và quy tụ các nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong toàn xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ảnh: istock
Tại hội thảo “Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng” do Dragon Capital tổ chức ngày 12-7, Dragon Capital đánh giá có thể kỳ vọng vào ba động lực dẫn dắt kinh tế Việt Nam thay đổi mạnh mẽ trong 5-10 năm tới: hệ thống hạ tầng hiện đại (tàu cao tốc Bắc Nam được triển khai và việc hệ thống hạ tầng hiện hữu được kết nối toàn diện và hoàn thiện bằng xây dựng thêm các sân bay, cảng nước sâu…); tư duy tăng trưởng đột phá lấy công nghệ làm trung tâm (phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp năng lượng…); và việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng.
TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược của Dragon Capital lạc quan khi phác họa một Việt Nam “hoàn toàn khác hiện nay” sau năm 2030: “Làm việc ở TPHCM nhưng sinh sống tại Phan Thiết,” “chiều cuối tuần làm việc tại TPHCM nhưng tối tắm biển tại Nha Trang.” Tương lai mới mẻ này do các công trình hạ tầng trọng yếu được giao cho kinh tế tư nhân triển khai quyết liệt thời gian tới.
"Khi hoàn thiện các công trình tầm cỡ sẽ tạo ra những lan tỏa tích cực: cấu trúc lại vành đai đô thị, thay đổi các cụm công nghiệp, nâng trải nghiệm du lịch, giảm mạnh chi phí logistics… Chúng ta sẽ không thể vươn lên thành quốc gia thịnh vượng phát triển với chi phí logistics cao như hiện nay. Những điều này sẽ thay đổi khi hệ thống hạ tầng hiện đại hoàn thiện", ông Tuấn khẳng định.
Theo Dragon Capital, ngay từ bước triển khai các công trình hạ tầng “tỉ đô” đã có tác động lan tỏa tới nền kinh tế thông qua việc hấp thụ khối lượng khổng lồ nguyên vật liệu, sử dụng hàng trăm ngàn lao động, thúc đẩy ngành xây lắp phát triển… Với tốc độ triển khai quyết liệt nhiều dự án, theo dự báo của Dragon Capital, tầm nhìn 2030-2040, Việt Nam sẽ có một cơ cấu hạ tầng toàn diện đứng đầu khu vực.
Theo dự báo của Dragon Capital, tầm nhìn 2030-2040, Việt Nam sẽ có một cơ cấu hạ tầng toàn diện đứng đầu khu vực.
Phát huy sức mạnh nội sinh
Kinh nghiệm phát triển hạ tầng của các con rồng châu Á mang lại nhiều bài học gợi mở cho Việt Nam. Ở các nước “hóa rồng” chính phủ giữ vai trò kiến tạo, mạnh dạn trao quyền cho khối kinh tế tư nhân ở những lĩnh vực đòi hỏi sự mạo hiểm và linh hoạt, đặc biệt tiếp cận công nghệ mới. Chính phủ đóng vai trò tổ chức dự án, dồn nguồn lực cho giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các nút thắt khó khăn, trao quyền cho các công ty đủ năng lực.
Mô hình PPP (đối tác công tư) – đặc biệt mô hình BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) minh bạch và bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, sẽ tạo cú hích thu hút khu vực tư nhân vào các dự án tàu cao tốc, cảng biển, sân bay. Cuối cùng, phát triển hạ tầng cần đồng bộ không chỉ đường bộ, đường thủy, đường không mà cả logistics, khu công nghiệp, năng lượng, nhà ở… nên nhà nước giữ vai trò điều phối tập trung vào khía cạnh an sinh để tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ đến toàn nền kinh tế.
Ngược lại, tư nhân phát huy các thế mạnh về sự hiệu quả, khả năng quản lý có thể phát triển các dự án thần tốc. Nhà nước tập trung xây dựng mô hình minh bạch, hỗ trợ đúng mức, giao quyền và đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp tư nhân, hoàn toàn có thể tạo bước ngoặt cho hệ thống hạ tầng trong giai đoạn mới.
Trong Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2025, TS Trần Du Lịch cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để tạo ra sự đột phá không thể vận dụng các nguyên tắc kinh tế học truyền thống mà có thể từ quyết tâm và ý chí chính trị. Việt Nam cần những dự án tư nhân tham gia, cần quyết tâm chính trị, chỉ định, giao, mời tư nhân tham gia các công trình trọng điểm, công trình lớn của quốc gia tạo ra đột phá về phát triển. Đây là vai trò phát triển, tạo ra đột phá khối kinh tế tư nhân”.
Trong lĩnh vực hạ tầng, các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam như THACO, Hòa Phát, Masterise Group… mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với nhà nước ở sự linh hoạt, thị trường và thần tốc. Sức mạnh nội sinh này hứa hẹn sẽ giải quyết được những điểm nghẽn để tạo nên sự đột phá giúp kinh tế Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Thùy Dương