Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2024): Ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2024): Ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga
2 giờ trướcBài gốc
Lãnh tụ V.I.Lênin diễn thuyết ở Quảng trường Đỏ, Moscow năm 1917. Ảnh: Tư liệu
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công tạo nên bước ngoặt lịch sử vĩ đại
Mùa thu năm 1917, nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ngày càng trầm trọng, mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính và các dân tộc thiểu số diễn ra liên tiếp với quy mô ngày càng lớn. Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng bônsêvích, ngày 7/10/1917, Lênin từ Phần Lan đã bí mật trở về Pêtrôgrát để trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Tại cuộc họp ngày 10/10 và ngày 16/10, Trung ương Đảng bônsêvích đã thông qua nghị quyết khởi nghĩa vũ trang. Đồng thời, Trung ương Đảng bônsêvích đã thành lập Trung tâm quân sự cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong cả nước gồm A.Bupnốp, F.Đdécginxki, Ia.Xvéclôp, I. Xta1in, M.Uritki. Trung ương Đảng bônsêvích chỉ đạo các tổ chức đảng nhanh chóng triển khai các công việc cần thiết trên các mặt chính trị - tư tưởng, tổ chức và kĩ thuật - quân sự để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 24/10, Chính phủ lâm thời bắt giam các ủy viên của ủy ban quân sự cách mạng, lục soát và đóng cửa các tờ báo của Đảng bônsêvích, ra lệnh chiếm điện Xmônưi...Cùng ngày, Kêrenxki tuyên bố Chính phủ lâm thời sẽ áp dụng mọi biện pháp để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa ở Pêtrôgrát.
Trước tình hình diễn tiến phức tạp, Lênin chủ trương phải tiến hành khởi nghĩa ngay. Đêm 24/10, Lênin đã đến điện Xmônưi để trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở thủ đô. Trong đêm 24 và ngày 25/10, các đơn vị Cận vệ đỏ của công nhân, binh lính cách mạng và thủy binh hạm đội Ban Tích (với khoảng 200.000 người) đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô - các cầu qua sông Nêva, nhà ga xe lửa, trung tâm bưu điện, nhà máy điện, ngân hàng quốc gia và các cơ quan quan trọng khác ở thủ đô.
Đến sáng 25/10, các lực lượng khởi nghĩa cơ bản đã làm chủ tình hình ở thủ đô. Đêm 25/10, quân khởi nghĩa tiếp tục tiến đánh Cung điện mùa Đông. Các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa ở Pêtrôgrát đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Cũng trong đêm 25/10, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ II đã khai mạc. Đai hội thông qua lời kêu gọi “”Gửi công nhân, binh lính và nông dân“” do Lênin dự thảo. Đại hội ra quyết nghị các Xô viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng thật sự.
Tối 26/10, trong buổi họp thứ hai Đại hội đã thông qua hai văn kiện đầu tiên của Chính quyền Xô viết là Sắc luật hòa bình và Sắc luật ruộng đất do Lênin dự thảo. Đại hội đã cử ra Chính phủ Xô viết đầu tiên, được gọi là Hội đồng ủy viên nhân dân, do Lênin đứng đầu. Tiếp theo thắng lợi ở Pêtrôgrát, Chính quyền Xô viết đã được thành lập ở Mátxcơva và sau đó ở khắp mọi miền đất nước.
Do sự kháng cự điên cuồng của kẻ thù, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mátxcơva phải kéo dài từ 26/10 đến 3/11/1917. Đến cuối tháng 11, Chính quyền Xô viết đã được thành lập ở 28 tỉnh/tổng số 49 tỉnh thuộc phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga.
Đến cuối tháng 3/1918, Chính quyền Xô viết đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn.
Ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử trọng đại với nước Nga và cả nhân loại.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, nhà nước Xô viết do Lênin sáng lập ra đời đã đưa nước Nga từ một nước phong kiến tiền tư bản nghèo đói và lạc hậu trở thành một cường quốc. Một chế độ xã hội mới - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa - đã được thiết lập với mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc và công bằng cho mọi người lao động.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã chấm dứt thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế - chính trị thế giới, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết đã làm thay đổi cục diện thế giới, phân chia thế giới thành hai hệ thống xã hội đối lập: hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng Tháng Mười Nga không những đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, một cao trào cách mạng vô sản đã dấy lên sôi nổi ở châu Âu trong những năm 1918-1923, làm chấn động dữ dội nền thống trị của giai cấp tư sản độc quyền ở nhiều nước. Đồng thời, mở ra một thời kì mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Mĩ la tinh. Nhiều đảng cộng sản và công nhân ở các nước đã ra đời; phong trào đoàn kết quốc tế được hình thành và phát triển sâu rộng khắp các châu lục. Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác-Lênin từ lý luận khoa học đã trở thành thực tiễn, từ tư tưởng trở thành hiện thực sinh động trên phạm vi thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện được mục tiêu: giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nâng họ lên địa vị làm chủ chế độ xã hội mới, thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến lên giải phóng nhân loại.
Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sau hơn 70 năm ra đời và phát triển không hề chứng tỏ tính chất lỗi thời của lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, không làm mất đi giá trị, ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng vạch thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra. Trong thực tiễn, những thành tựu to lớn mà các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,... đã đạt được đó là thành công của quá trình kiên định lập trường, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là tất yếu, phù hợp với quy luật lịch sử và xu thế thời đại.
Đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở đường cho học thuyết Mác - Lê-nin thâm nhập vào Việt Nam trong bối cảnh đường lối giải phóng dân tộc của Việt Nam cuối thế kỷ XIX rơi vào khủng hoảng.
Đi theo con đường mà Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra, cách mạng Việt Nam do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo đã liên tiếp giành được nhiều thắng lợi to lớn. Trong đó, có nhiều chiến công chói lọi, mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ, CNXH, giải phóng đất nước thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, làm cho hàng triệu người dân Việt Nam được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VIII (6/1996) khẳng định: Sau những biến cố ở Đông Âu và Liên Xô, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại: “loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hôi”. Và rằng: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”. Điều này đã một lần nữa cho rằng việc lựa chọn theo con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
Đại hội IX, X của Đảng tiếp tục bổ sung một số điểm mới trong mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến Đại hội XI, XII, XIII của Đảng ta tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với bối cảnh mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là những cơ sở lý luận nền tảng để Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn.
H.M
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/ky-niem-107-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-7-11-1917-7-11-2024-y-nghia-va-tam-voc-thoi-dai-cua-cach-mang-thang-muoi-nga-nbsp-229662.htm