Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2025):Người cầm lái khởi phát con tàu đổi mới

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2025):Người cầm lái khởi phát con tàu đổi mới
6 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Công ty Hợp doanh cao su Phạm Hiệp (Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh), tháng 2-1987. Ảnh: TTXVN
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915-1998) là một tấm gương mẫu mực, tuyệt đối trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc, mang lại tự do cho đồng bào, giữ cho chế độ trường tồn.
Thời gian đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ trọng trách Tổng Bí thư chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm (1986-1991), song đó là thời điểm đặc biệt, khởi đầu công cuộc đổi mới đất nước, giữa cơn bão tố thời đại.
Với vai trò người cầm lái đầy bản lĩnh, quyết đoán chính trị, trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ cho con tàu cách mạng khởi phát đúng hướng, đặt tiền đề cho những thành tựu to lớn mang tầm lịch sử, mang lại cơ đồ dân tộc đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, để dân tộc ta viết tiếp bản anh hùng ca có Đảng soi đường.
Để có đường lối đổi mới, đặc biệt là quyết định mang tầm chiến lược, mở ra lối thoát cho khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy ở Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng các đồng chí lãnh đạo trăn trở, tìm tòi ánh sáng thoát khỏi cơ chế bao cấp đang rơi vào ngõ cụt, cùng tập thể Bộ Chính trị (đứng đầu là đồng chí Trường Chinh) hoàn chỉnh Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, tạo bước ngoặt tư duy đổi mới, hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn kiến tạo mô hình chủ nghĩa xã hội phù hợp với Việt Nam.
Với nhãn quan chính trị nhạy bén thời cuộc, vốn lý luận cách mạng tìm tòi, nghiên cứu trong những năm tháng hoạt động cách mạng trước năm 1975, cùng kinh nghiệm thực tế được tích lũy từ sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đã thực sự là người xứng tầm để Trung ương Đảng lựa chọn làm thuyền trưởng con tàu cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đặc biệt.
Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (ra đời từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (ra đời sau chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945) từng trở thành niềm hy vọng lịch sử của nhân loại, đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã trên bờ sụp đổ. Tháng 12-1991, lá cờ đỏ búa liềm trên Quảng trường Đỏ bị hạ xuống, Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên bố chấm dứt hoạt động. Nguyên do dẫn đến bi kịch lịch sử nêu trên đã có nhiều nghiên cứu, kết luận, song có lẽ chủ yếu vẫn đến từ bản lĩnh chính trị của các chính đảng cộng sản còn thiếu tính quyết đoán.
Trước bối cảnh đó, tính quyết đoán chính trị được Đảng ta thể hiện rất rõ. Một trong những người thể hiện bản lĩnh chính trị, quyết đoán “đổi mới không đổi màu” chính là đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Mệnh lệnh lịch sử đặt trong bối cảnh “đổi mới hay là chết” đã thôi thúc trái tim người lãnh đạo chủ chốt của Đảng lúc bấy giờ. Trước khi làm người đứng đầu Đảng khởi phát đường lối đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những tìm tòi, thử nghiệm mô hình “phá rào bao cấp” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Với tư duy đổi mới, đồng chí phát hiện ra hướng đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam vào thời điểm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã đến ngõ cụt, đổ vỡ hệ thống xã hội chủ nghĩa dẫn đến nguy cơ bên bờ vực thẳm sự khủng hoảng niềm tin chính trị trong cán bộ, đảng viên.
Không đổi mới đồng nghĩa với việc bất lực nhìn chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam lùi vào dĩ vãng. Nhưng nếu đổi mới bất thành, sẽ lặp lại vết xe đổ cải tổ của Liên Xô. Năm 1978, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, song cách làm của họ không thể sao chép ở Việt Nam bởi điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội, kinh tế khác nhau. Chính vì vậy, Việt Nam phải tìm được hướng đi đổi mới phù hợp...
Trong bối cảnh mô hình làm ăn tập thể theo cơ chế bao cấp, quan liêu đã trở thành vật cản, dẫn đến sự trì trệ, bế tắc sức sản xuất; tâm lý người dân chịu tác động từ thời cuộc, vừa mất nguồn viện trợ, vừa bị cấm vận, cộng thêm những tác động từ chiều hướng ngày càng xấu đi của kinh tế trong nước (lạm phát phi mã tới hơn 700%), tình thế này quả là “ngàn cân treo sợi tóc” đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bước vào đổi mới không phải cứ có quyết tâm chính trị là thành công. Điều quan trọng là phải thiết kế cho được cơ chế tháo "nút thắt”, tạo “đột phá” giải phóng sức sản xuất. Đó chỉ có thể là cách làm táo bạo, không theo lối mòn bao cấp, quyết đoán “giã từ quá khứ từng một thời mơ ước”.
Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, theo đó thừa nhận, “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” trong mọi khâu từ sản xuất đến phân phối, sử dụng sản phẩm. Nếu như Chỉ thị 100 trước đó chỉ nhắc đến nhóm lao động, Nghị quyết 10 một lần nữa khẳng định tư tưởng “giải phóng sức sản xuất” và các mối quan hệ về lợi ích, nhấn mạnh “nhất là lợi ích người lao động”, nhờ đó, chức năng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại. Có thể nói “khoán 10” đã tạo ra tác dụng thần kỳ trong nền kinh tế. Năm 1988, sản lượng lương thực cả nước chỉ đạt 19,58 triệu tấn. Một năm sau khi có Nghị quyết 10, con số này đã tăng lên 21,58 triệu tấn, cho thấy tư duy đổi mới của Đảng đã tác động sâu rộng tới kinh tế đất nước, đưa Việt Nam vào bệ phóng của tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, biến Việt Nam từng là quốc gia trông đợi nhiều vào viện trợ bột mỳ, lúa mạch từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bước lên đỉnh cao của xuất khẩu gạo trên thế giới.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà có được điều mơ ước đó, mà phải nghĩ đến công lao những người phát kiến ra “khoán 10” lịch sử. Trong đó, không thể không nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Linh, với những bước thăm dò từ thời kỳ làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đã mạnh dạn báo cáo Trung ương cho chủ trương bỏ cơ chế “ngăn sông cấm chợ”, tháo ách tắc lưu thông lúa gạo từ Nam ra Bắc. “Khoán 10” ra đời có cơ sở thực tế, không phải ngẫu nhiên, cũng chưa từng có dòng nào trong lý luận hoặc nhờ kinh nghiệm của nước xã hội chủ nghĩa nào đi trước... Đây là sự sáng tạo luận thuyết kinh tế hàng hóa của Việt Nam mà đồng chí Nguyễn Văn Linh là người đứng mũi chịu sào. Từ nông nghiệp, “khoán 10” lan tỏa ra các lĩnh vực kinh tế khác đem đến thêm nhiều động lực đổi mới trong phát huy nội lực dân tộc. Đường lối đổi mới kinh tế đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy quản lý, điều hành từ vĩ mô tới vi mô, đòi hỏi phải có cải cách hành chính để bỏ đi gánh nặng của quan liêu bao cấp.
Trên Báo Nhân Dân, xuất hiện những bài báo “Những việc cần làm ngay” với bút danh N.V.L, như thông điệp thời đại mới, thúc bách cả hệ thống chính trị phải “xắn tay vào cuộc”, phải đi trước mở đường trong tư duy, trong nhận thức chính trị và hành động cách mạng. Một trào lưu tư tưởng cách mạng đổi mới từ lúc ban đầu còn do dự, hoài nghi đã được thuyết phục, rất sớm chuyển qua tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, mạnh bạo làm chủ vận mệnh dân tộc.
Tư duy Nguyễn Văn Linh, phong cách Nguyễn Văn Linh đều toát lên một triết lý chính trị mà người cộng sản chân chính cần học hỏi, noi gương, đó là: Sự nghiệp đổi mới mà đất nước ta đi qua gần 40 năm đúng ngay từ điểm khởi phát, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự trường tồn chế độ, đều được đặt lên trên hết, trước hết. Điều này có thể vận dụng vào cuộc đại cách mạng mà Đảng ta đang lãnh đạo hiện nay, thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm gửi đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới là lời giải đáp lịch sử đầy thuyết phục cho đường lối đổi mới của Đảng.
Học tập tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, kiên định, sáng tạo, gắn bó với nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nguyện chung sức đồng lòng; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cộng sản, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về đổi mới trong giai đoạn lịch sử mới của đất nước.
PGS.TS Trần Viết Lưu
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-1-7-1915-1-7-2025-nguoi-cam-lai-khoi-phat-con-tau-doi-moi-707521.html