Tổng Bí thư Lê Duẩn (hàng trước, thứ ba từ trái qua) thăm Công ty Cao su Đồng Nai, năm 1981. Ảnh:TL
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đồng chí tham gia Hội Thanh niên cách mạng năm 1928 và sau đó trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trọn đời vì đất nước, nhân dân
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn từng trải qua mọi thử thách, gian nan ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Cuối những năm 1930 cho đến khi qua đời, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, đặc biệt từ năm 1960-1986, trên cương vị là Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong đó, giai đoạn từ năm 1946-1954, với cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và tiến hành cải cách ruộng đất trong các vùng giải phóng. Từ năm 1954-1957, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đồng chí tiếp tục ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai TRẦN QUANG TOẠI cho biết, việc đặt tượng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Di tích Trung ương Cục miền Nam là phù hợp với quá trình thành lập, tiếp nối giữa 2 thời kỳ của Trung ương Cục miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân.
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bị địch khủng bố ác liệt, đồng chí vừa phải chỉ đạo phong trào, xây dựng cơ sở cách mạng, vừa trăn trở, tìm tòi suy nghĩ về con đường đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Với tư duy và tầm nhìn của một nhà chiến lược lớn, đồng chí đã viết tác phẩm Đề cương cách mạng miền Nam. Tác phẩm đã phân tích, đánh giá sâu sắc, dự báo chính xác tình hình miền Nam sau 2 năm thi hành Hiệp định Genève, đề ra mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam.
Bản đề cương đã tác động trực tiếp đến phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam, làm chuyển hướng phương thức đấu tranh của nhân dân, từ đấu tranh chính trị hoàn toàn sang đấu tranh chính trị kết hợp tự vệ vũ trang. Đề cương cũng là cơ sở quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 15 thảo luận và ra Nghị quyết về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ lấy hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà (năm 1959), mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam.
Năm 1960, tại Đại hội lần thứ ba của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, làm Bí thư thứ nhất. Suốt 15 năm trên cương vị này, đồng chí Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng cả nước ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) và lần thứ V (năm 1982), đồng chí Lê Duẩn lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư. Trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh cùng bao biến động chính trị quốc tế to lớn, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương đưa đất nước ta đã đứng vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
Tình cảm với Đồng Nai
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã nhiều lần đến thăm và làm việc tại Đồng Nai với tình cảm đặc biệt.
Tháng 5-1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cùng đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đến làm việc với Ủy ban Quân quản thành phố Biên Hòa, xem xét sân bay quân sự Biên Hòa và đến thăm Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Tại đây, đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá cao tinh thần đấu tranh và ý thức làm chủ của công nhân khu công nghiệp, đồng thời chỉ đạo nhiều vấn đề để phát huy quyền làm chủ của công nhân trong lao động sản xuất thời kỳ mới.
Vào đầu năm 1983, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, Đồng Nai lại vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn về dự và có bài phát biểu quan trọng. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhiệt liệt khen ngợi những thành tích bước đầu của Đảng bộ và đồng bào tỉnh nhà trong công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa theo chủ nghĩa xã hội. Đồng chí cũng nhiệt liệt biểu dương nhân dân và các lực lượng vũ trang, đảng viên và cán bộ hoạt động ở Đồng Nai đã chiến đấu anh dũng, cống hiến xuất sắc vào thắng lợi lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chỉ rõ những thế mạnh của Đồng Nai, đồng chí đã chỉ đạo, định hướng các nhiệm vụ để đưa Đồng Nai ngày càng phát triển giàu mạnh. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh, vấn đề cán bộ có tầm quan trọng quyết định. Các cấp ủy ở địa phương phải quán triệt và thi hành đúng đắn chính sách cán bộ của Đảng, phải đánh giá đúng cán bộ cả về ưu điểm và nhược điểm, phải làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo sự phân cấp của Trung ương, phải sử dụng cán bộ cho đúng, đặc biệt là đối với cán bộ nữ. Cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên phải nêu gương đoàn kết, đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết giữa các cấp với nhau và đoàn kết với người ngoài Đảng. Có làm được như vậy thì mới đoàn kết được nhân dân, lãnh đạo nhân dân làm theo đường lối, chính sách của Đảng.
Lời căn dặn cùng công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn được cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên, nhân dân Đồng Nai ghi nhớ, biết ơn. Ngày 8-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ tổ chức Lễ Khánh thành đặt tượng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Di tích Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) ở huyện Vĩnh Cửu.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tổ chức Lễ Khánh thành tượng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Bộ, tiền thân của Trung ương Cục miền Nam, là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam, người học trò lỗi lạc, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định ý nghĩa lịch sử, giá trị tư tưởng của cố Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nhất là cách mạng ở miền Nam.
Hồ Thảo