Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): Nhà hiền triết phương Ðông

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): Nhà hiền triết phương Ðông
20 giờ trướcBài gốc
Đó là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh với các lãnh tụ cách mạng khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt
Giáo sư Jean Lacouture, nhà sử học người Pháp, trong cuốn tiểu sử nổi tiếng với tựa đề “Ho Chi Minh” xuất bản năm 1967 ở Paris đã miêu tả “Hồ Chí Minh là một nhân vật có sự kết hợp giữa tinh thần cách mạng của Lenin, lòng nhân ái của Gandhi và sự giản dị, trí tuệ của Lão Tử”. Ông nhấn mạnh rằng “Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng, mà còn là một người có phẩm chất đạo đức cao và một tầm nhìn sâu rộng về nhân sinh”.
Nhiều nhân vật và nhà lãnh đạo quốc tế từng bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả khi Người còn sống và sau khi Người qua đời. Hồ Chí Minh có một tư tưởng rất nhất quán và sâu sắc về giải phóng dân tộc, và nó trở thành nền tảng cho cách mạng Việt Nam suốt thế kỷ XX. Những điểm nổi bật trong tư tưởng giải phóng dân tộc của Người có thể tóm gọn như sau:
Đặt độc lập dân tộc lên hàng đầu. Hồ Chí Minh xác định rõ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Với Người, giải phóng dân tộc là mục tiêu tối thượng, phải ưu tiên trước cả vấn đề giai cấp hay các mục tiêu khác. Người kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì dân tộc Việt Nam mới thực sự giành được độc lập bền vững.
Người cho rằng, giải phóng dân tộc phải do chính nhân dân tiến hành. Người nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp giải phóng, vì “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Trong cuốn “Đường Kách Mệnh” Người viết từ năm 1927 có đoạn: “Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”. Cũng trong cuốn “Đường Kách Mệnh”, Người viết: “Muốn cách mệnh thành công thì phải có Đảng cách mệnh để tổ chức, lãnh đạo nhân dân”. Người khẳng định vai trò trung tâm của một Đảng cách mạng tiên phong, có tổ chức chặt chẽ, lý luận vững vàng và có mối liên hệ mật thiết với quần chúng.
Hồ Chí Minh rất đề cao sự nhân đạo, khoan dung với những người từng “lầm đường lạc lối”, thể hiện trong chính sách đại đoàn kết dân tộc. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc “phê bình và tự phê bình” nhưng phải trên tinh thần xây dựng, đoàn kết và yêu thương nhau như anh em trong một gia đình cách mạng.
Người nói: “Phê bình là để giúp nhau tiến bộ, không phải để bới móc, công kích, làm mất uy tín của nhau”. Người không đồng tình với lối ứng xử trừng phạt, hẹp hòi trong nội bộ, mà khuyến khích sự bao dung, độ lượng để giúp cán bộ có khuyết điểm sửa sai, tiếp tục phục vụ cách mạng.
Ngay cả với những người từng theo phe đối lập, từng làm sai, Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ cảm hóa, giáo dục, chứ không triệt tiêu. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người đã chủ trương hòa hợp dân tộc, mời cả những người trí thức, người từng làm việc cho chính quyền thực dân hoặc phong kiến tham gia chính quyền mới. “Chúng ta phải khoan hồng và nhân đạo... dùng tình thương để cảm hóa con người”.
Nguồn cội và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay
Hồ Chí Minh xuất thân từ gia đình nhà Nho yêu nước, trọng đạo lý. Cùng với đó, xứ Nghệ là quê của những ông đồ, cái nôi của văn hóa, truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước.
Thân phụ của Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Sinh Sắc, là một nhà Nho, từng đỗ Phó bảng (năm 1901), nhưng không theo con đường quan lại phong kiến mà chọn sống gần dân, giúp dân. Ông ngoại là cụ Hoàng Đường cũng là một nhà Nho. Từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã sống trong môi trường đầy ắp Nho giáo, đề cao đạo đức Nho gia.
Theo đó, sứ mệnh của bậc quân tử là phải tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Truyền thống “nhân - nghĩa - lễ - trí - tín” được cụ Nguyễn Sinh Sắc thấm nhuần sâu sắc và giáo dục từ khi Người còn thơ ấu. Hồ Chí Minh đã kế thừa rất tốt những phẩm chất này. Đây cũng là nền tảng đạo đức cách mạng trong tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh.
Truyền thống trọng tri thức là nét đặc trưng của những nhà Nho xứ Nghệ. Gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc rất chú trọng việc học. Ngay từ nhỏ, Hồ Chí Minh được học chữ Hán, đọc sách Nho, từ đó thấm nhuần tư tưởng đạo đức Nho giáo. Tinh thần học để làm người, học để giúp nước được truyền lại mạnh mẽ trong gia đình.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nổi tiếng liêm khiết, sống giản dị, không màng danh lợi. Chính điều này ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Chí Minh, Người cả đời sống giản dị, thanh cao, luôn chống lại thói tham nhũng, quan liêu. Đây chính là sự kế thừa tinh thần “quân tử” trong Nho giáo, nhưng được Hồ Chí Minh nâng lên tầm đạo đức cách mạng.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh sự trỗi dậy mạnh mẽ của phương Tây từ mấy trăm năm trước. Nhờ đó, phương Tây sớm nắm ưu thế về công nghệ, quân sự, kinh tế.
Trong khi đó, nhiều nước phương Đông (như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam...) vẫn còn nặng tính phong kiến, Nho giáo, tôn ti trật tự, ít đổi mới. Cũng vì hiện tượng này mà những giá trị lâu đời của phương Đông bị chỉ trích và lên án. Thực ra thì không có một học thuyết hay mô hình nào là hoàn hảo. Điều quan trọng là chúng ta có biết chọn lọc những tinh hoa trong mỗi nền văn hóa hay không và cách thức làm cho những điểm ưu việt đó tỏa sáng.
Thế kỷ XXI chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Nhiều giá trị phương Đông như hòa hợp, cộng đồng, nhân nghĩa, cân bằng với thiên nhiên đang được phương Tây nghiên cứu, học hỏi. Tinh thần “gạn đục khơi trong” đã được Hồ Chí Minh thấm nhuần từ rất sớm và Người đã biết vận dụng những tinh hoa của người phương Đông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cũng như Nho giáo, Hồ Chí Minh hướng tới một xã hội có kỷ cương, đạo lý, đề cao tình nghĩa và lòng nhân ái. Tư tưởng “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” là lý tưởng trong Nho giáo dành cho người quân tử. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh người cán bộ, đảng viên trước hết phải “tu thân” (sửa mình, rèn luyện đạo đức), sau đó mới có thể phục vụ tốt cho dân, cho nước.
Hồ Chí Minh cho rằng, “muốn làm cách mạng, trước hết phải làm người cách mạng”. Đó chính là sự vận dụng hiện đại của tinh thần “tu thân” trong Nho giáo. Xưa, nho sĩ chân chính sống thanh bạch, coi thường danh lợi. Hồ Chí Minh sống giản dị, thanh đạm, không màng vật chất - điều này thể hiện rõ trong sinh hoạt đời thường và quan niệm “đạo đức là gốc của người cách mạng”.
Khi nói chuyện với cán bộ, Hồ Chí Minh thường nhắc: “Dân là gốc”. Trên nền tảng của Nho giáo, Hồ Chí Minh tiếp thu quan điểm của Mác - Lê-nin về đấu tranh giai cấp, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, và về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản trong cách mạng để tập hợp dân chúng, giành lại giang sơn...
Chúng ta đang đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cơ hội là rất lớn nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Mỗi công dân cần đọc, suy ngẫm và vận dụng tốt những tư tưởng Hồ Chí Minh mới có thể trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Người.
Phan Thế Hải
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ky-niem-135-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-19-5-1890-19-5-2025-nha-hien-triet-phuong-ong-702422.html