Hơn một thế kỷ qua đi nhưng những đóng góp to lớn của V.I.Lênin vẫn trường tồn với sự nghiệp cách mạng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kế thừa, vận dụng quy tắc “thà ít mà tốt” trong cải tiến bộ máy nhà nước của V.I.Lênin, Việt Nam đang tiến hành cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Nhà tư tưởng, lý luận kiệt xuất
V.I.Lênin - nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất bởi trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông không chỉ kế thừa mà còn phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen vào thực tiễn nước Nga, biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành thực tiễn và thành công trên quy mô toàn thế giới.
Di sản mà V.I.Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn. Một trong những nội dung quan trọng trong di sản đó là những tư tưởng về xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền nhà nước. Những tư tưởng về Đảng được thể hiện tập trung trong luận điểm: “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”. Điều này có nghĩa là Đảng là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
V.I.Lênin cũng nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: Lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng...
Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết C.Mác và Ph.Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôn-sê-vích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính đảng Mácxít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.
Với tư cách là lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô-viết.
Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị tan rã...
Tên tuổi vĩ đại của V.I.Lênin gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực và lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô-viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa cho các nước thuộc địa, phụ thuộc; đồng thời làm thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu cao đẹp - xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin sớm nhận ra Chính sách cộng sản thời chiến đã bộc lộ những sai lầm, tạo ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng, dẫn đến tình hình nguy hiểm cho nước Nga Xô-viết, làm cho quần chúng lao động, nhất là công nhân và nông dân thất vọng. Để điều chỉnh những sai lầm đó, với tinh thần phê phán nghiêm khắc đối với bệnh giáo điều, xa rời tình hình cụ thể của nước Nga, V.I.Lênin đã chỉ ra chính sách kinh tế mới (NEP) để cải tổ nền kinh tế và một loạt các chính sách mới để cải tổ bộ máy chính trị, kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển; đồng thời gợi mở lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động.
Quan điểm của V.I.Lênin về cải tiến bộ máy nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung được thể hiện trong những tác phẩm cuối đời của ông trong năm 1923, đó là những tác phẩm như: “Thư gửi đại hội”, “Bàn về chế độ hợp tác”, “Về cuộc cách mạng của chúng ta”, đặc biệt là hai tác phẩm “Chúng ta phải cải tổ Bộ dân ủy thanh tra công nông như thế nào?” và “Thà ít mà tốt”. Sau khi V.I.Lênin qua đời, những tư tưởng của ông trong các tác phẩm này vẫn tiếp tục trở thành kim chỉ nam để Đảng Bôn-sê-vích Nga vận dụng phát triển chính sách kinh tế mới và xây dựng Đảng cũng như cải tổ bộ máy nhà nước kiểu mới.
Kim chỉ nam cho Đảng ta
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, nhất thiết phải kiên định và phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có những quan điểm của V.I.Lênin.
Theo chỉ dẫn của V.I.Lênin, để có thể vững vàng bước vào một giai đoạn phát triển mới, nhất thiết phải tiến hành những cải tiến mang tính cách mạng. Một trong những cải tiến đó là bộ máy nhà nước theo quy tắc “thà ít mà tốt”. Kế thừa tinh thần đó, hiện nay Việt Nam đang tiến hành một cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy với phương châm: Tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở Việt Nam hiện nay xuất phát từ yêu cầu cần có một bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và luôn hướng về phía nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị càng trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết vì về cơ bản, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước, do đó không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển...
Hơn nữa, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước.
Trong bài viết: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng, tính tất yếu phải đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quan điểm bảo đảm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hệ trọng, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung giải quyết.
Từ những diễn biến nhanh chóng của thực tiễn, nhất là yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy mà Việt Nam đang tiến hành rất nhanh chóng, đồng bộ, quyết liệt, trở lại với quan điểm của V.I.Lênin, chúng ta thấy được những chỉ dẫn rất quan trọng cả về tư tưởng và phương pháp, cách thức tiến hành. Điều đó một lần nữa khẳng định di sản của V.I.Lênin vẫn có sức sống trường tồn và trở thành kim chỉ nam cho Đảng ta trong việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển đất nước.
Tiến sĩ Lê Thị Chiên - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh