Đặc biệt, với đồng bào miền Nam, đó không chỉ là nỗi nhớ mà còn là lòng tri ân sâu nặng đối với vị Cha già dân tộc, Người đã dẫn dắt cả dân tộc đi đến những kỳ tích lịch sử chói lọi, mang lại độc lập, tự do và vinh quang cho đất nước...
Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13-2-1969). Ảnh: Tư liệu
1. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than đói rét, Bác Hồ đã bôn ba khắp năm châu suốt 30 năm ròng, quyết tâm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Với “tầm con mắt trông cao tột bậc, nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ”, hành trình ấy của Người đã mở ra một trang sử mới, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi huy hoàng, làm rạng rỡ non sông, đất nước.
Năm 1954, khi một nửa đất nước được giải phóng, Người trở về Hà Nội từ chiến khu, tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, dốc lòng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Tình thương và trách nhiệm của Bác đối với đồng bào miền Nam sâu sắc đến mức Người từng nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực, chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Bởi vậy, suốt mười lăm năm cuối của cuộc đời, Bác luôn trăn trở về vận mệnh đất nước. Như cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nhắc lại: “Dưới mái nhà này (ngôi nhà sàn Bác ở trong Phủ Chủ tịch), Bác Hồ của chúng ta nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, nghĩ về cách mạng miền Bắc, và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế. Chính những năm ở đây, Bác Hồ đã từng đề ra đường lối, chiến lược, chiến thuật đảm bảo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
2. Để thống nhất non sông, Bác Hồ đã cùng với Đảng vạch đường, chỉ lối cho sự nghiệp giải phóng miền Nam được thực hiện với những mốc lịch sử, những bước tập dượt. Cuộc tập dượt thứ nhất: Tháng 1 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng do Bác chủ trì đã vạch rõ con đường đấu tranh cơ bản là bạo lực, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng, kết hợp với đấu tranh vũ trang nhằm đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; Năm 1960, từ tỉnh Bến Tre, ngọn lửa Đồng khởi bùng lên và nhanh chóng lan rộng khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào nổi dậy của nhân dân. Trong cao trào Đồng khởi, các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam phát triển nhanh chóng. Các huyện có tiểu đội, trung đội, đại đội chiến đấu; các tỉnh, khu có bộ đội địa phương và xây dựng cả lực lượng chủ lực.
Tháng 5-1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở tuyến đường Trường Sơn, bảo đảm cho các đoàn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu. Cuộc tập dượt thứ hai: Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Cuối năm 1967, tại một căn phòng trong khu ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị và quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nhằm đánh đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn sét đánh, làm cho quân Mỹ, ngụy và chư hầu trở tay không kịp, kinh hoàng và lúng túng. Đó là đòn quyết định giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, mở ra một cục diện mới, buộc đế quốc Mỹ phải thương lượng với ta ở Paris.
Từ năm 1967 trở về sau, khi thấy sức khỏe có phần giảm sút, Bác tích cực tập luyện, có khi leo cả dốc cao, với ý định đi bộ vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam. Quyết tâm vào thăm miền Nam trước ngày thống nhất đất nước của Bác đã thể hiện trong bức thư Bác gửi đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng, ngày 10-3-1968: “Nhớ lại hồi Nô-en năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ sau thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn. Đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”. Vậy là, Bác và Đảng ta đã có quyết định sẽ mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy lần thứ 3.
Nhưng, một nỗi đau đã đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước, khi chuẩn bị cho cuộc tổng lực này, thì những ngày tháng 8-1969, Bác Hồ của chúng ta lâm bệnh. Dù sức khỏe đã yếu dần, Bác Hồ vẫn chăm lo lãnh đạo công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Tại nơi ở và làm việc của mình, Người đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị có tính chất quyết định đến vận mệnh đất nước, như cuộc họp ngày 14-7-1969, bàn về vấn đề Hội nghị Paris; cuộc họp 9-8-1969, nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo tình hình chiến sự miền Nam.
Những ngày nằm trên giường bệnh, Bác vẫn lo cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngày 25-8-1969 tuy đã rất mệt, nhưng Bác vẫn gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân ta để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Cuộc tập dượt thứ ba: Tổng tiến công chiến lược năm 1972. Đây là cuộc tập dượt đã được Bác Hồ, Đảng ta chuẩn bị từ những năm trước. Cuộc tiến công được thực hiện trên 3 hướng chiến lược Trị Thiên - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, trong đó Trị Thiên là quan trọng nhất. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ta thu được thắng lợi làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch, có lợi cho ta, làm chuyển biến hẳn cục diện chiến tranh để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi to lớn tiếp theo.
3. Bị thua đau ở miền Nam, Mỹ đưa máy bay B-52 ra đánh phá miền Bắc hòng đưa miền Bắc trở về thời đồ đá. Ta lập chiến công Điện Biên Phủ trên không, đêm đầu tiên bắn rơi 3 chiếc, 12 ngày đêm hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 33 máy bay B-52, buộc đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Tiếp nối ý chí của Bác Hồ và dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta từng bước triển khai những đợt tập dượt, những đòn tiến công chiến lược, để rồi làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
17h ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các cánh quân ta với sức mạnh áp đảo quân địch, mở cuộc tiến công đồng loạt từ các hướng, phối hợp với các đơn vị pháo binh biệt động, đặc công và lực lượng chính trị của đông đảo quần chúng. Sáng 29-4 cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận bắt đầu. 10h45 ngày 30-4, bộ đội ta chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ ngụy quyền trung ương. 11h30, lá cờ cách mạng bay trên Dinh Độc Lập. Thừa thắng, với sự nổi dậy của quần chúng, ngày 30-4 và 1-5, các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ hoàn toàn giải phóng.
Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Và “hình của Nước” mà Bác Hồ đã dành trọn 30 năm bôn ba tìm kiếm và giành lại, nay dưới sự chỉ dẫn của Người, Đảng và nhân dân ta đã hoàn thành, vẽ nên một bức tranh trọn vẹn và rực rỡ nhất vào ngày 30-4-1975. Ngày vui đại thắng, nhân dân miền Nam không được Bác Hồ trực tiếp vào thăm, mà chỉ được niềm vui “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Kỷ niệm ngày thống nhất giang sơn, ôn lại chặng đường kháng chiến vinh quang dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam càng khắc sâu nỗi nhớ về Người. Càng nhớ Bác, chúng ta càng phải nỗ lực giữ gìn và xây dựng non nước mà Bác đã dày công giành lại ngày càng vững mạnh.
TS Trần Viết Hoàn