Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam Bài 5: Xứng danh trung tâm kinh tế số 1 Việt Nam

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam Bài 5: Xứng danh trung tâm kinh tế số 1 Việt Nam
20 giờ trướcBài gốc
Với đích đến này, thành phố đang triển khai hàng loạt giải pháp đột phá mạnh mẽ cùng mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên hai con số, qua đó tiếp tục khẳng định vững chắc vai trò đầu tàu kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vững chắc vai trò đầu tàu kinh tế. Ảnh: Kim Cương
Xứng đáng vai trò đầu tàu kinh tế
Mười năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 18-11-2002 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân hơn 11%, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Năm 2020, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TƯ ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, quy mô kinh tế nơi đây đã tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010.
Kết quả trên cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu, động lực của cả nền kinh tế Việt Nam. Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 xảy ra, có thời điểm kinh tế thành phố tăng trưởng âm. Tuy nhiên, với sự năng động, sức chống chịu và khả năng bứt tốc mạnh mẽ của hoạt động kinh tế, quý I-2025, GRDP của thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng hơn 7,5% so cùng kỳ, là mức tăng cao nhất so cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.
Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đây là mức tăng trưởng theo quý ấn tượng sau nhiều quý của những năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, đem lại cho thành phố niềm tin mới. Tuy vậy, người đứng đầu Đảng bộ thành phố lưu ý cần nhìn thẳng vào những hạn chế, để tiếp tục trang bị hành trang cho chặng đường kế tiếp.
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về phát triển kinh tế với tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, chiếm gần 1/3 thu ngân sách cả nước, vượt trội so với nhiều tỉnh, thành khác.
Mở rộng cánh cửa thu hút “đại bàng”
Sau 50 năm thống nhất cùng đất nước, thành phố mang tên Bác luôn là nơi có sức hút mạnh mẽ về kinh tế, là “đất lành” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong vòng 40 năm sau thống nhất hai miền Bắc Nam (tính từ năm 1982 đến năm 2022), Bộ Chính trị đã ban hành
4 nghị quyết về thành phố Hồ Chí Minh. Điều này đã nói lên sự quan tâm đặc biệt của Trung ương với vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Trong giai đoạn phát triển mới, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số từ năm 2026, từ đó sớm bắt kịp với các nước tiên tiến trên thế giới, phấn đấu đến năm 2045 cơ bản trở thành nước có thu nhập cao. Điều này đặt ra nhiệm vụ mới cho thành phố Hồ Chí Minh trong việc tiếp tục vai trò dẫn dắt kinh tế. Để “vì cả nước”, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 lên hai con số. Đây là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến động khó lường của thương mại toàn cầu, cạnh tranh gay gắt từ các nước lớn. Do vậy, thành phố cần có những giải pháp thật sự đột phá.
Để vượt qua các thách thức, bên cạnh nguồn lực “cứng” là cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao với truyền thống năng động, sáng tạo, thành phố rất cần nguồn lực “mềm” thể chế. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng, thể chế chính là “chìa khóa” giúp mở rộng cánh cửa kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Trung ương đã có thông điệp mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế tư nhân và sắp tới sẽ ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Cơ chế này giúp mở ra dư địa rất lớn để thành phố Hồ Chí Minh bứt phá về kinh tế trong giai đoạn mới, nơi ghi nhận số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước, với khoảng 230.000 doanh nghiệp hoạt động thực tế. Bên cạnh đó, thành phố có khoảng 400.000 hộ kinh doanh cá thể. Đây sẽ là lực lượng đi đầu, dẫn dắt và “sinh sôi” số lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh.
Cùng với đó, Trung ương cũng xác định xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Với đề án này, lợi thế của thành phố Hồ Chí Minh sẽ được nhân lên, vừa là cứ điểm của đầu tư, sản xuất, kinh doanh; vừa làm “bệ đỡ” trong việc cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Qua đó, năng lực cạnh tranh toàn cầu và sự tín nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thành phố sẽ được nâng lên. Điều này đem đến lợi thế chưa từng có để thành phố thu hút mạnh mẽ “đại bàng” đến đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, thực tế thành phố vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Trung ương, thành phố cố gắng đề xuất tháo gỡ 50%, còn đối với vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, phấn đấu tháo gỡ 100%.
(Còn nữa)
Nguyễn Lê
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-khat-vong-vuon-minh-tu-vung-dat-phuong-nam-bai-5-xung-danh-trung-tam-kinh-te-so-1-viet-nam-698746.html