Theo các tư liệu lịch sử, cách đây đúng 52 năm, tối 18/12/1972, Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Chỉ trong 12 ngày, quân và dân Thủ đô đã làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy có một không hai, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoạt miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ.
Trận địa tên lửa SAM 2 trong Chiến dịch phòng không năm 1972. Ảnh: Tư liệu
Bản hùng ca chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc
Ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ, dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt...
Như các tư liệu lịch sử đã ghi, cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sau thất bại liên tiếp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Pari. Đồng thời mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta tháng 12/1972 với tên gọi Chiến dịch “Linebacker II” nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pari theo các điều khoản có lợi cho Mỹ.
Đây là cuộc tập kích huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B.52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy T.Ư, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ. Với sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh B.52, ta đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân, thế trận phòng không Nhân dân vững chắc. Hiệp đồng tác chiến hiệu quả giữa các lực lượng, với ý chí “Quyết đánh”, “Biết đánh” và “Quyết thắng”. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B.52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.
Quân, dân Hà Nội bên xác chiếc B-52 bị bắn rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Ảnh tư liệu
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, với ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá, nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có. Bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ.
Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, “siêu pháo đài bay B.52” thảm bại, không lực Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề chưa từng có. Chiến thắng đã làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước và nhân loại tiến bộ, được thế giới biết đến với tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây là kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ 20, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Như các nhà nghiên cứu lịch sử đã phân tích, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Đồng thời, làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân ta. Cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Hà Nội được bạn bè quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Cuối tháng 3/1973, quân đội Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Đường phố Hà Nội trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)
Để lại nhiều bài học sâu sắc
Có thể khẳng định, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo cục diện mới và là tiền đề quan trọng để quân và dân ta đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Đồng thời, khẳng định chân lý bất hủ mang giá trị thời đại sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới. Củng cố niềm tin chiến thắng cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.
52 năm đã trôi qua, chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô vẫn còn nguyên giá trị để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đó là bài học về sự đoàn kết thống nhất của quân và dân Thủ đô, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Bài học về tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế. Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn được tạo bởi sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Ngoài ra còn là bài học về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang tinh gọn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thế hệ người Hà Nội hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy hào khí “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, truyền thống “Thủ đô anh hùng”; phát huy tinh thần chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lòng dũng cảm, ý chí quật cường, trí thông minh, sáng tạo và những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta, sẵn sàng hy sinh tất cả vì nền độc lập của dân tộc, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.
Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ XVII với tinh thần: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xứng đáng là “trái tim của cả nước”, được Nhân dân cả nước tin yêu, kỳ vọng.
Nguyên Bảo