Kỷ niệm 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đô Hà Nội: Nghìn năm vẫn một trái tim này

Kỷ niệm 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đô Hà Nội: Nghìn năm vẫn một trái tim này
một giờ trướcBài gốc
Hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954 đã được tái hiện tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Vietnam+
Ngày 10/10/1954 là ngày Thủ đô Hà Nội chính thức được tiếp quản, đánh dấu sự thành công của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm đầy gian khổ và là bước đệm quan trọng mở đường cho sự thống nhất đất nước sau này.
Trải qua những ngày tháng kháng chiến chống Pháp cam go và đàm phán căng thẳng, Hiệp định Genève năm 1954 đã tạo ra những điều kiện để quân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội.
Ngày 30/9/1954, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội đã được ký kết, đánh dấu sự kết thúc của 80 năm thực dân Pháp chiếm đóng Thủ đô. Cuộc tiếp quản Hà Nội diễn ra từ ngày 2/10 với sự tham gia của các lực lượng công an, cảnh vệ và hành chính. Người dân Hà Nội, với niềm vui sướng và tự hào, đã hỗ trợ các lực lượng cách mạng, đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra an toàn và trật tự.
Ngày 10/10/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại đoàn Quân Tiên phong (Đại đoàn 308) dẫn đầu, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tiến vào Hà Nội. Các cánh quân lớn, bao gồm bộ binh, pháo binh và cao xạ, từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản Thủ đô.
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh
(Tiến về Hà Nội - Văn Cao)
Khắp các đường phố rợp bóng cờ hoa, Nhân dân Thủ đô vỡ òa trong niềm vui hân hoan chào đón những người con của đất nước trở về.
Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường
(Cảm xúc Tháng 10 - Tạ Hữu Yên)
Hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ với những bước chân vững chãi tiến vào từng con phố đã khắc sâu vào trái tim mỗi người dân Hà Nội. Đó là những giây phút lịch sử không thể nào quên, khi Hà Nội từ một thành phố chiến tranh trở thành thành phố hòa bình.
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta
(Ngày về - Nguyễn Đình Thi)
Buổi chiều ngày 10/10/1954, lễ mừng chiến thắng diễn ra tại sân Cột Cờ lịch sử, nơi Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Nhân dân Thủ đô, với lời lẽ thân thương, triều mến: “Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”.
Hàng ngàn người diễu hành tái hiện hình ảnh tiếp quản Thủ đô Hà Nội 10/10/1954 tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Vietnam+
Trong bài phát biểu ấy, Bác đã đề ra 4 nhiệm vụ quan trọng cho Hà Nội sau ngày giải phóng: Giữ gìn trật tự, khôi phục kinh tế, khôi phục văn hóa và xây dựng tinh thần đoàn kết. Bác nhấn mạnh rằng, sau cuộc chiến, những khó khăn không dễ dàng tan biến, nhưng với quyết tâm và sự đoàn kết, Hà Nội sẽ vượt qua mọi thử thách để trở thành một Thủ đô tươi đẹp, phồn thịnh.
Nhìn lại chặng đường 70 năm, Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ. Từ một Thủ đô bị tàn phá bởi chiến tranh, ngày nay Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố năng động và hiện đại trong khu vực, giữ vai trò đầu tàu về kinh tế, văn hóa và chính trị của cả nước.
Những hình ảnh của Hà Nội trong thời khắc lịch sử ấy vẫn mãi in sâu trong ký ức dân tộc, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ hào hùng và kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, bên cạnh sự phát triển kinh tế và hạ tầng, Hà Nội cũng giữ được nét văn hóa của Kinh đô ngàn năm văn hiến, nơi những giá trị truyền thống đang hòa quyện với nhịp sống hiện đại. Những địa danh như Hồ Gươm, Văn Miếu, cầu Long Biên… hay những khu phố cổ vẫn mang trong mình hồn cốt của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm. Từ bề dày lịch sử, Hà Nội đã trở thành biểu tượng của sự kiên cường, của khát vọng hòa bình và của tinh thần yêu nước, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Tiếp quản Thủ đôHà Nội không chỉ là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng mà còn là lời nhắn gửi tới thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, giữ gìn và phát huy những thành quả của cha ông.
Hà Nội, trái tim của cả nước, vẫn đang và sẽ tiếp tục bước đi vững vàng trên con đường phát triển. Mỗi người con của Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung dù ở bất cứ đâu, vẫn mang trong mình niềm tự hào về một Thủ đô đã từng trải qua những năm tháng đau thương, nhưng không bao giờ khuất phục và ngày nay vẫn luôn tỏa sáng rực rỡ trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam.
Đây không chỉ là ngày để hồi tưởng về quá khứ mà còn khẳng định vị thế của Hà Nội trên con đường hướng tới tương lai, tiếp tục là trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của đất nước, mang theo hy vọng và niềm tự hào cho nhiều thế hệ mai sau.
Nhân dân cả nước cùng “toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như mong muốn của Bác Hồ, để Hà Nội thực sự là “trái tim” của cả nước.
Ôi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này
(Cảm xúc Tháng 10 - Tạ Hữu Yên)
PHAN VĂN BÔNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202410/ky-niem-70-nam-ngay-tiep-quan-thu-do-ha-noi-nghin-nam-van-mot-trai-tim-nay-33f1bbb/