Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc: Hải Phòng 'trọn nghĩa, vẹn tình' với đồng bào miền Nam ruột thịt

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc: Hải Phòng 'trọn nghĩa, vẹn tình' với đồng bào miền Nam ruột thịt
3 giờ trướcBài gốc
Đối với hàng vạn cựu học sinh miền Nam, Hải Phòng là vùng đất "ân nặng tình sâu" - một thời cưu mang, đùm bọc họ, trở thành quê hương yêu dấu thứ hai. Thời gian qua đi, sông có thể cạn, đá có thể mòn, nhưng đối với những cựu học sinh miền Nam, ân tình của Đảng bộ, nhân dân thành phố Cảng mãi vẹn nguyên, không phai mờ...
Đoàn cựu học sinh miền Nam thăm lại Hải Phòng.
Vùng đất nghĩa nặng tình sâu
Những ngày này, khi cả nước đang hướng về cầu truyền hình trực tiếp 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, hàng vạn con em miền Nam học tập, trưởng thành trên đất Bắc, trong đó có những cựu học sinh miền Nam tại Hải Phòng lại bồi hồi xúc động khi miền ký ức luôn hiện hữu trang trọng trong tâm trí lại có dịp ùa về. Ở tuổi 83, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi khi được nhắc nhớ về những ngày tháng sống trên đất Bắc, tại Hải Phòng, cụ Nguyễn Bích Lan, nguyên giáo viên Trường THPT Thái Phiên, lại nghẹn ngào rơi nước mắt như trẻ thơ khi nhớ đến sự cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo mà nhân dân, thầy cô Hải Phòng dành cho bà và nhiều thế học sinh miền Nam.
Ngược dòng thời gian 70 năm về trước của những cô cậu học trò đang tuổi niên thiếu từ miền Nam xa xôi vượt Trường Sơn tập kết ra Bắc. Ngày đầu đặt chân lên đất Bắc, sự bỡ ngỡ, lạ lẫm về vùng đất, con người mới lạ như bị xóa nhòa khi học sinh miền Nam được nhân dân miền Bắc giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận. Đồng bào đưa học sinh về nhà ở, nhường cho ngủ trên phản, còn gia đình túm tụm trên ổ rơm hay tấm chiếu manh đã rách trải trên nền đất. Mùa đông, gió bắc hun hút lùa qua khe cửa, nằm phản được đắp chiếu đỡ lạnh chứ nằm trên nền đất buốt thấu da. Cụ Lan nghẹn ngào nhớ lại, hồi đó đồng bào miền Bắc nghèo, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng trong điều kiện của mình, vẫn dành tất cả điều tốt đẹp nhất cho học sinh miền Nam. Học sinh miền Nam được ăn cơm gạo trắng, có thịt, cá, còn gia đình ăn củ chuối, khoai sắn độn không đủ no. Kể cả gia đình có con nhỏ tuổi hơn nhưng phần ăn ngon, ăn đủ vẫn dành cho con của đồng bào miền Nam. Do vậy, nhiều lần cụ cùng các bạn phải giấu bớt rồi lén chia cơm trắng, thức ăn cho các em nhỏ tại các gia đình mình ở.
Còn với ông Nguyễn Ngọc Trai, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, không thể quên thời điểm cuối năm 1964, ông cùng các bạn đang học ở trường 13, khi có chiến tranh phá hoại, trường phải sơ tán về Thủy Nguyên. Ông nhớ thời đó, bà con nhân dân nhiều khó khăn, nhà không đủ ăn, 5-7 anh em chia nhau bắp cải nhỏ ăn nhưng vẫn để dành phần cơm cho học sinh miền Nam. Những ký ức về một thời nghèo khó nhưng ấm áp nghĩa tình sống mãi, được ông truyền lại cho các thế hệ con cháu, bạn bè, người thân để họ hiểu hơn về sự hy sinh và gắn kết sâu đậm giữa hai miền Nam – Bắc.
Thời kỳ đó, hàng vạn học sinh miền Nam khi sống trong dân, được dân cưu mang như ruột thịt; lúc đón về trường học, mọi người lại được các thầy, cô giáo Hải Phòng coi như con em. Các thầy cô giáo được phân công dạy học sinh miền Nam đều là những người được tuyển chọn chuẩn mực về đức độ. Trong lớp học sinh ra Bắc học tại Hải Phòng, nhiều người tuổi khá nhỏ. Biết các em xa gia đình, nhớ nhà, không có cha mẹ bên cạnh, nhất là con gái, thầy cô giáo càng quan tâm, chỉ bảo. Thầy dạy cho các bạn gái cách tự chăm sóc, vệ sinh đúng cách, tối ngủ, các thầy cô chia nhau đi kiểm tra, xem có cháu nào tung chăn ra thì lại nhẹ nhàng kéo đắp. Có nhiều em nhỏ, đêm nhớ nhà khóc, cô ngồi bên vỗ về, xoa lưng, hát ru đến khi ngủ mới đứng dậy. Khi học sinh bị ốm, các thầy cô giáo lo lắng, tận tình chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, thức cả đêm chườm mát khi học sinh bị sốt. Những tình cảm đó chỉ có ở những người cha, người mẹ mới đủ sự kiên trì, nhẫn nại và giàu lòng nhân ái mới có được...
Nghĩa tình Nam Bắc khăng khít
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước tạm thời chia thành hai miền Nam - Bắc. Nhằm chuẩn bị lực lượng cho cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới và sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định đưa hàng vạn cán bộ, bộ đội, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.
Ngay sau khi quân Pháp rút khỏi Hải Phòng, phần lớn số học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ở các tỉnh được chuyển về thành phố. Trên miền Bắc có 3 cụm trường: Hải Phòng, Hà Đông, Thái Nguyên với 17.500 học sinh, riêng Hải Phòng có 14 trường với khoảng 10.000 em. Đến năm 1965, miền Bắc có khoảng 30.000 học sinh, trong đó Hải Phòng có khoảng 15.000 học sinh. Vì thế, Hải Phòng được coi là cái nôi lớn nhất nuôi dưỡng, giáo dục “Hạt giống đỏ” – học sinh miền Nam trưởng thành. Nhận thức rõ nhiệm vụ Cách mạng và tình cảm với miền Nam ruột thịt, Đảng bộ, Ủy ban Quân chính và nhân dân Hải Phòng tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh miền Nam được sinh sống, học tập, rèn luyện. Không chỉ chăm lo nơi ăn, chốn ở, đời sống hằng ngày, Đảng bộ, chính quyền và ngành Giáo dục thành phố còn ưu tiên dành một đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo ưu tú nhất của mình cho học sinh miền Nam. Người dân thành phố cũng nhường cơm sẻ áo, đùm bọc như con em trong nhà. Cùng với năm tháng, qua bàn tay chăm sóc của thầy cô giáo, nhân dân Hải Phòng, phần lớn những "hạt giống đỏ" ngày nào đều trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng…, cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, coi đó như một sự tri ân ý nghĩa đối với mảnh đất đã từng cưu mang, dạy dỗ.
Hải Phòng hôm nay đã thấy rộng dài, rực sáng với sự vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư với những khu đô thị sầm uất. Những cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc thuở nào giờ đây cũng đều dần bước vào tuổi “xưa nay hiếm”. Mang trong mình niềm thương nỗi nhớ về vùng đất ân tình, mỗi năm, họ trở về Hải Phòng dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố hay kỷ niệm ngày đầu đặt chân lên đất Bắc để thăm lại đồng nghiệp, trường xưa, thăm lại biểu tượng “Hạt giống đỏ” – công trình biểu trưng nhắc nhớ niềm tri ân sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc và nhân dân Hải Phòng đã nuôi dưỡng, bao bọc học sinh miền Nam trong những năm gian khó. Và trong niềm cảm xúc có sự vui mừng, phấn khởi, tự hào khi quê hương thứ hai của họ ngày phát triển đi lên, càng khắc sâu tình cảm và niềm tin mãnh liệt về sự gắn bó không thể tách rời giữa nhân dân hai miền Nam – Bắc không chỉ trong quá khứ mà còn trường tồn mãi đến tương lai.
Theo Báo Hải Phòng
Nguồn Hà Giang : http://baohagiang.vn/dong-su-kien/202411/ky-niem-70-nam-su-kien-tap-ket-ra-bac-hai-phong-tron-nghia-ven-tinh-voi-dong-bao-mien-nam-ruot-thit-a693e0d/