Ngay từ những ngày đầu thành lập, với 34 chiến sỹ, trang bị, vũ khí tuy còn rất thô sơ, nhưng Đội đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu” và cũng mở đầu truyền thống “bách chiến bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, ngày 30/12/1972, lực lượng nòng cốt cùng quân và dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Cùng nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Ngày 22/12/1944, tại tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ gồm 34 chiến sỹ. Sau này, ngày 22/12/1944 đã được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác."
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Làm nên Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Đến giữa năm 1949, quân đội ta bắt đầu thành lập các đại đoàn chủ lực (Đại đoàn 308, Đại đoàn 304), từ đó tăng cường sức mạnh và tổ chức chiến đấu quy mô lớn.
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, với việc tiêu diệt hơn 8.000 quân Pháp, giải phóng vùng biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở ra một bước ngoặt quan trọng, phá vỡ thế bao vây của địch, tạo đà cho những chiến thắng tiếp theo. Sau Chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập như Đại đoàn 312, Đại đoàn 320, Đại đoàn 351, Đại đoàn 316.
Trong các chiến dịch tiếp theo, như Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc…, bộ đội ta tiếp tục tiến bộ về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, quân đội vừa chiến đấu, vừa kiến quốc, xây dựng lực lượng. Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với “chí thép, lòng son," cán bộ, chiến sỹ quân đội đã cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh thắng nhiều chiến dịch lớn, như Việt Bắc Thu-Đông (năm 1947), Biên Giới (năm 1950), Hòa Bình (năm 1951), Tây Bắc (năm 1952), Thượng Lào (năm 1953).
Đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một Quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa."
Đến năm 1960, quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng lục quân, hải quân, phòng không-không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.
Trong thời gian này, đáp lại sự tăng cường chiến tranh của đế quốc Mỹ, quân đội ta đã xây dựng một hệ thống tiếp viện và chi viện vững chắc qua tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong hai năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh." 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam sau 30 năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước
Sau ngày đất nước thống nhất, quân đội ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng; xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh; anh dũng chiến đấu, cùng toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt. Các thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang, khẳng định những đóng góp to lớn của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc và đạt được những chiến công lẫy lừng, xứng đáng là trụ cột bảo vệ đất nước.
Bên cạnh sứ mệnh bảo vệ chủ quyền, quân đội còn không ngừng mở rộng vai trò của mình trong các hoạt động dân vận, phát triển kinh tế và tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế vì hòa bình và ổn định khu vực.
Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” với những phẩm chất cao đẹp như kỷ luật, trung thành, kiên cường và gắn bó với nhân dân mãi mãi in đậm trong lòng người dân Việt Nam.
PV (tổng hợp theo nguồn tư liệu của TTXVN)