Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Tự hào pháo binh Thủ đô

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Tự hào pháo binh Thủ đô
2 giờ trướcBài gốc
Nét tự tin, rắn rỏi của các chiến sĩ trẻ cùng cái bắt tay ấm tình đồng đội trong tiết đông giá lạnh mang lại cho chúng tôi thêm sự cảm mến đối với đơn vị được mệnh danh là “Anh cả của pháo binh Thủ đô”.
Bộ đội pháo binh luyện tập sẵn sàng chiến đấu.
Điều ấn tượng ngay khi bước chân vào cổng đơn vị là sự chính quy, gọn gàng, sạch sẽ. Hôm ấy, dù còn hơn 10 phút nữa mới đến giờ làm việc buổi sáng nhưng cán bộ, nhân viên đã có mặt đầy đủ tại các phòng làm việc để trao đổi, thống nhất nội dung công việc. Phía thao trường, những khẩu pháo 85Đ44 kiêu hãnh vươn nòng, sẵn sàng cho buổi huấn luyện.
Nhìn khung cảnh thao trường, tôi lại nhớ lần diễn tập hồi tháng 10 vừa qua. Lúc đó, tôi nghe khẩu đội trưởng cầm cờ hô với nhiều câu từ khó nhớ, nào là liều giảm, góc tầm, độ hướng. Sau khẩu lệnh “Bắn!” là tiếng nổ đanh giòn từ khẩu pháo 85mm. Trên đài quan sát vang lên thông báo mục tiêu đã bị tiêu diệt.
Như một cán bộ của Trung đoàn 452 chia sẻ, đặc thù của bộ đội pháo binh là phải tạo được sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, các khẩu đội với nhau. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm thời gian cơ động tác chiến, thao tác chi viện hỏa lực cho các lực lượng. Ngoài ra, pháo binh có hai cách đánh chính là cách đánh độc lập và hiệp đồng, nên yêu cầu về tính cơ động rất cao. Trong tác chiến quân sự, pháo binh có hỏa lực mạnh, phải phấn đấu để đạt được yêu cầu: “Đi giỏi, trụ vững, với sâu, bắn trúng”.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm qua, Trung đoàn Pháo binh 452 luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng huấn luyện, nhất là khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các phân đội trong cả tác chiến hiệp đồng lẫn tác chiến độc lập.
Có lẽ, do nhận thức rõ điều đó, những năm qua, trong chỉ đạo huấn luyện, đơn vị luôn chú trọng bám sát cả hai cách đánh chủ đạo để tiến hành luyện tập. Đối với cán bộ chỉ huy pháo binh, yêu cầu đặt ra là phải giỏi về tác xạ, thành thạo tất cả các kỹ năng, kỹ xảo chỉ huy hiệp đồng phân đội. Các phân đội trinh sát, thông tin, bảo đảm hậu cần, lái xe phải phối hợp nhịp nhàng trong cả tác chiến hiệp đồng lẫn tác chiến độc lập.
Để phát huy cao nhất tác dụng của các loại máy móc, thiết bị định vị mục tiêu thế hệ mới mang tính tự động hóa, mỗi cán bộ, chiến sĩ trinh sát của đơn vị phải nêu cao tính chủ động trong nghiên cứu, học tập, làm chủ khoa học kỹ thuật, các trang thiết bị hiện đại, sử dụng trang bị vũ khí thành thạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Do đó, hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Trung đoàn Pháo binh 452 đều làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng giáo án, bài giảng chặt chẽ. Năm nay, nét nổi bật là tất cả giáo án của cán bộ huấn luyện đều được kết cấu theo hai hình thức là giáo án viết tay và giáo án điện tử, có xây dựng đồ họa mô phỏng để giúp người học hiểu rõ nội dung.
Đối với công tác huấn luyện quân nhân dự bị, để phát huy tốt truyền thống “chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” trong mọi tình huống, đòi hỏi công tác phúc tra, rà soát, nắm nguồn chất lượng phải chặt chẽ, tỉ mỉ với yêu cầu cao.
Tìm hiểu về truyền thống của đơn vị, được biết, ngày 15-3-1979, trước yêu cầu của tình hình mới, Trung đoàn Pháo binh 452 ra đời với lực lượng gồm nhiều cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Hiện nay, Trung đoàn 452 được xem là “Anh cả” trong “làng” pháo binh Thủ đô vì được tổ chức, biên chế và trang bị nhiều loại pháo hiện đại, là nơi huấn luyện chủ yếu cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ hằng năm.
Theo Thượng tá Lê Văn Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 452, tiêu chuẩn đối với quân nhân dự bị huấn luyện pháo binh là tuổi đời không quá 35, trình độ chuyên ngành đúng pháo binh đạt 75 đến 80%. Đối với chuyên ngành trinh sát, đo đạc, kế toán thì đòi hỏi phải có trình độ từ trung học phổ thông trở lên, có nhận thức tốt, tỉ mỉ, cẩn thận. Đối với chiến sĩ thông tin thì phải nghe rõ, nói gọn, không nói lắp để giúp việc truyền khẩu lệnh bắn của chỉ huy được rõ ràng, dứt khoát. Pháo thủ phải có sức khỏe tốt, tác phong nhanh nhẹn.
Quan sát thực hành huấn luyện của đơn vị, chúng tôi thấy, ngoài việc huấn luyện chuyên ngành theo giáo trình, nội dung quy định, Trung đoàn Pháo binh 452 còn nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu để đưa vào huấn luyện cho bộ đội. Trong quá trình huấn luyện, đơn vị chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động thao trường để khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ nỗ lực đạt kết quả cao.
Huấn luyện chuyên ngành pháo binh khá vất vả, luôn gắn với các tình huống, đối tượng cụ thể, đòi hỏi cao cả về thể lực và trí lực nên bộ đội dễ căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, việc làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động thao trường có vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức, hành động, giúp cán bộ, chiến sĩ giảm bớt căng thẳng, nâng cao chất lượng huấn luyện.
Nhờ tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp mà kết quả huấn luyện của Trung đoàn Pháo binh 452 rất tốt, hằng năm có 100% đạt giỏi về kỹ thuật, khá về chiến thuật. Ba năm liền (2019, 2020, 2021), Trung đoàn được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; năm 2021 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.
Nhiều lần được đi với Trung đoàn Pháo binh 452 tham gia bắn đạn thật trong đội hình diễn tập của Sư đoàn Bộ binh 301, chúng tôi cảm nhận được năng lực, trình độ của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ. Trên từng cương vị, chức trách được giao, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng được huấn luyện vào diễn tập và đạt kết quả tốt, xứng đáng với danh hiệu “Anh cả pháo binh Thủ đô”.
Văn Tuân
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ky-niem-80-nam-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22-12-1944-22-12-2024-tu-hao-phao-binh-thu-do-687674.html