Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024): Dấu ấn đậm nét của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024): Dấu ấn đậm nét của nghệ thuật quân sự Việt Nam
21 giờ trướcBài gốc
Nghệ thuật quân sự Việt Nam ra đời, từng bước phát triển trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Đặc biệt, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã có bước phát triển mới. Góp phần vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam để lại nhiều dấu ấn đậm nét.
Ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào bắt sống Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh tư liệu
1. Như chúng ta đã biết, trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, trên cơ sở biết mình, biết người, dân tộc ta đều quán triệt tư tưởng “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, coi trọng yếu tố bí mật, bất ngờ cả về hướng, mục tiêu tiến công, lực lượng, thời gian và cách đánh. Tùy từng hoàn cảnh, từng đối tượng tác chiến cụ thể để lựa chọn lối đánh rất linh hoạt, luôn “quyền biến như đánh cờ, tùy cơ ứng biến”. Có khi từ tác chiến du kích từng bước chuyển lên tác chiến tập trung, thực hành phản công hoặc tiến công lớn; có khi kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, tạo điều kiện giành thắng lợi quyết định trong những trận quyết chiến chiến lược; có khi đánh lớn ngay từ đầu, giành thắng lợi, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Có những hình thức đánh nhỏ bằng lực lượng tinh nhuệ như cách đánh của Yết Kiêu, Dã Tượng; lại có những hình thức đánh lớn như các trận: Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Đống Đa...
Kế thừa nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, chỉ mấy ngày sau lễ thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã xuất quân đánh thắng hai trận liên tiếp Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu và đã ra quân là chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hai trận đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã vận dụng cách đánh hóa trang tập kích, mở đầu cho việc vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật vô cùng độc đáo và hiệu quả.
Kế thừa những tinh hoa nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc, qua 80 năm chiến đấu và chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới, phong phú và độc đáo hơn. Thực tế, Quân đội nhân dân đã làm nòng cốt cùng toàn dân phát triển nền nghệ thuật quân sự với nhiều nét độc đáo, sáng tạo riêng mang dấu ấn của thời đại, đối phó thắng lợi trước những vũ khí, trang bị tiên tiến, hiện đại nhất, đánh bại những chiến lược, chiến thuật quân sự tân kỳ, xảo quyệt, hung bạo và liều lĩnh nhất mà các kẻ thù áp dụng.
2. Dấu ấn nổi bật là nghệ thuật mở đầu và kết thúc chiến tranh. Điều này thể hiện ngay từ cuối năm 1946, trước tình thế không thể nhân nhượng được nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta đã biết mở đầu chiến tranh đúng lúc - phát động toàn quốc kháng chiến, giành thế chủ động, buộc thực dân Pháp phải bị động đối phó. Với sự bố trí trận địa và thế trận độc đáo, quân và dân Hà Nội đã giam chân địch ở đây gần hai tháng để có thêm thời gian chuyển đất nước vào trạng thái chiến tranh và chuẩn bị hậu phương, căn cứ địa để kháng chiến lâu dài. Từ năm 1953, khi thế và lực đã mạnh hơn, Trung ương Đảng đã chủ trương huy động sự tham gia của đơn vị chủ lực, phối hợp các chiến trường, các mặt trận và các chiến trường Lào, Campuchia tiến hành chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi to lớn, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn “xé bỏ” Hiệp định Giơnevơ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, tàn sát những người kháng chiến cũ, quân và dân miền Nam đã đi từ đồng khởi tiến lên chiến tranh cách mạng, xây dựng cơ sở lực lượng chính trị, tiến tới xây dựng lực lượng và tiến hành đấu tranh vũ trang. Quá trình tiến hành chiến tranh, vượt qua các thử thách, đánh bại các chiến lược, chiến thuật chiến tranh tân kỳ của Mỹ và quân đội Sài Gòn, Quân đội nhân dân Việt Nam, ở miền Nam dưới tên gọi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, vận dụng nghệ thuật giành thắng lợi từng bước, dần dần thay đổi thế và lực. Quân Giải phóng miền Nam đã chủ động mở Cuộc tiến công và nổi dậy 1968, giáng đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của Mỹ, rồi tiến hành cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam kết hợp với các chiến dịch ở chiến trường hai nước Lào, Campuchia, quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng (12-1972), buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Khi quân Mỹ và quân Đồng minh Mỹ đã rút đi, tương quan lực lượng thay đổi hẳn theo hướng có lợi cho cách mạng, đầu năm 1975, quân và dân cả nước cùng vào trận, chủ động kết thúc chiến tranh với cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Qua những thắng lợi đó, nghệ thuật mở đầu và kết thúc chiến tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được quân đội ta phát triển lên một tầm cao mới.
3. Nghệ thuật quân sự độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam còn được thể hiện, trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta luôn quán triệt tư tưởng “kiên quyết không ngừng thế tiến công”, luôn giành, giữ thế chủ động tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ; kết hợp tác chiến của lực lượng tại chỗ với tác chiến của lực lượng cơ động; kết hợp tác chiến phân tán và tác chiến tập trung; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn để tiêu hao, tiêu diệt địch; kết hợp tác chiến của các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, mở rộng quyền làm chủ trên cả ba vùng chiến lược; tiến công địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận)… Khi đã tạo được thế và lực hơn địch thì chớp thời cơ, tổ chức những đòn tiến công quy mô lớn, thực hiện những trận quyết chiến chiến lược, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đối phương.
Trong từng trận đánh, trong mỗi chiến dịch, gắn với địa bàn và đối tượng tác chiến cụ thể, các hình thức chiến thuật được quân đội ta vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo. Trong chiến đấu, quân đội ta không ngừng phát triển và hoàn thiện các chiến thuật: Phục kích, tập kích, đánh vận động, vây lấn, tiến công trận địa, đánh điểm, diệt viện, đánh địch trong công sự vững chắc kiểu cứ điểm, cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, vận động tiến công kết hợp chốt, đánh giao thông, đánh kho tàng, hậu cứ, phòng ngự trận địa, phòng ngự dã chiến, chiến thuật binh chủng hợp thành… Ngoài ra, còn có những cách đánh rất đặc biệt. Đó lối đánh giặc của lực lượng đặc công (trên bộ và dưới nước) và lực lượng biệt động. Sự phát triển cao trong cách đánh đặc công và biệt động là một nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều” trong thời hiện đại, “thể hiện tập trung khí phách anh hùng và trí tuệ Việt Nam, một hiện tượng quân sự ít thấy trong binh thư của nhiều nước trên thế giới”[1].
Tóm lại, quán triệt sâu sắc đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, kế thừa tinh hoa truyền thống đánh giặc của dân tộc; học tập và vận dụng có chọn lọc những kinh nghiệm quân sự tiên tiến của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển nền nghệ thuật quân sự đầy sáng tạo, thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; vừa phản ánh những quy luật chung của chiến tranh và đấu tranh vũ trang cách mạng; vừa mang những sắc thái độc đáo Việt Nam, góp phần hình thành một trường phái quân sự Việt Nam và học thuyết quân sự Việt Nam. Quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tạo nên những giá trị đặc sắc, làm phong phú và phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới.
---------------------------------
[1] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.293.
Đại tá Đỗ Mạnh Cường, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ky-niem-80-nam-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22-12-1944-22-12-2024-va-35-nam-ngay-hoi-quoc-phong-toan-dan-22-12-1989-22-12-2024-dau-an-dam-net-cua-nghe-thuat-quan-su-viet-nam-686258.html