Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh thuộc Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp Nhân dân dựng nhà ở. Ảnh: Tiến Đông
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh vừa đánh trả các cuộc càn quét của địch, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, được xem là “Thủ đô văn hóa kháng chiến”. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương của miền Bắc chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Song, trước khó khăn và thách thức, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tích cực lao động sản xuất với tinh thần “một người làm việc bằng hai”, huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cũng từ trong “máu lửa” của cuộc kháng chiến vĩ đại ấy, quân và dân xứ Thanh đã sống, chiến đấu, hy sinh anh dũng, tô thắm thêm truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Tất cả sự hy sinh, cống hiến ấy xuất phát từ lòng nồng nàn yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước và quy tụ lòng dân trở thành “thành lũy” của sức mạnh đoàn kết, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngày nay, trong thời đại hội nhập và phát triển, “thế trận lòng dân” vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với xứ Thanh - địa phương giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế với 213,6km đường biên giới, 102km bờ biển.
Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh Nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặc biệt, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất anh hùng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thanh Hóa luôn bám địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tổ chức hiệu quả các mô hình giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, chung sức XDNTM, chăm lo an sinh, xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc bằng những việc làm cụ thể.
Chẳng cần phải nói đâu xa, vừa qua, khi cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động các trang thiết bị phòng thủ dân sự đến những địa bàn trọng yếu; huy động hơn 18.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ giúp Nhân dân phát quang cây cối, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, chỉ đạo các ban chỉ huy phòng thủ khu vực, ban chỉ huy quân sự các xã, phường tham mưu xác định phương án, chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của bão.
Ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội. Hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại ngày đêm vất vả, gian khổ, hiểm nguy, đồng hành, sát cánh cùng Nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh, đã trở thành những hình ảnh đẹp, nhận được sự tin yêu của Nhân dân.
Trong cuộc sống thường ngày, bộ đội giúp dân sản xuất, giúp dân xóa bỏ hủ tục, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí. Bộ đội cùng người dân chung tay XDNTM, hỗ trợ xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa” hay tham gia tích cực vào chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở đến việc thực hiện hiệu quả dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”... Tất cả đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Cũng chính từ sự đồng hành, sát cánh, bám dân, bám bản và cả những việc làm thiết thực của những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã nhân lên niềm tin, khơi dậy sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao cùng chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và xây dựng khu vực biên giới vững chắc. Đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới chủ động tham gia các mô hình tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự bản làng. Trên toàn tuyến biên giới của tỉnh hiện nay có 1 tập thể, 54 hộ gia đình, 104 cá nhân tham gia tự quản 213,6km đường biên và 90 mốc quốc giới; 497 tổ an ninh trật tự thôn, bản với 1.625 thành viên tham gia với nhiều mô hình như: “Thanh niên làm chủ đường biên”, “Tổ an ninh tự quản”, “Già làng, trưởng bản cùng dòng họ, con cháu đăng ký quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc”, “Thôn, bản không có tội phạm”... Điều ý nghĩa nhất là người dân coi việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mình. Ở các xã khu vực biên giới biển, các mô hình “Tổ đoàn kết trên biển”, “Tổ tàu, thuyền an toàn”, “Bến bãi an toàn”, “Tổ tự quản an ninh trật tự” cũng đã thu hút đông đảo ngư dân tham gia, giúp ngư dân yên tâm, đoàn kết vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
“Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”. Lời Bác dạy năm xưa vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, để rồi hôm nay mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thanh Hóa luôn nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ sự bình yên của Nhân dân, xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo động lực phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Minh Hiền